Tin tức

Kỷ niệm 132 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2018)

Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản (CNTB) bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt, sản xuất công nghiệp tăng nhanh, giai cấp tư sản (GCTS) tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động. Trong xã hội, đối kháng giai cấp diễn ra ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa GCTS với giai cấp vô sản (GCVS) và nhân dân lao động.

Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve (Thụy Sỹ) tháng 9/1866 xác định nhiệm vụ quan trọng của GCVS là đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ. Từ đó, khẩu hiệu ngày làm 8 giờ xuất hiện ở một số nơi của nước Anh và lan dần sang các nước khác.

Đây cũng là thời điểm nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ. Từ một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc châu Âu, Mỹ đã mở rộng sản xuất, trở thành một quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới với trung tâm thương nghiệp chính là thành phố Chi-ca-gô.

Ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô, hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, công nhân toàn thành phố đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “ngày làm việc 8 giờ”. Ngày 3/5/1986, hơn 6 ngàn công nhân tổ chức mít tinh đã bị cảnh sát đàn áp, trong đó có 9 công nhân bị giết và 50 người bị thương nặng, gây chấn động thành phố. Ngày 4/5/1886, một cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra ở quảng trường Hay-mác-két để phản kháng hành động của cảnh sát. 

Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, Đại hội thành lập Quốc tế thứ II được triệu tập ngày 14/7/1889 đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của những người cộng sản trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, vào ngày 1/5/1890, lần đầu tiên ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm trên qui mô thế giới. Giai cấp công nhân ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà lan, Ý và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh, biểu tình mang theo biểu ngữ “Ngày làm 8 giờ”, ”Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”.          

Giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam với ngày Quốc tế Lao động 1/5

Từ những năm đầu của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, biết đến Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày Quốc tế Lao động 1/5 và biểu lộ sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế.

Ngày 1/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô Viết. Tháng 8 năm 1925, công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) đã bãi công đòi tăng lương và để ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải (Trung Quốc). Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, một mốc son chuyển phong trào công nhân Việt Nam phát triển từng bước tự phát đến tự giác.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đóng vai trò nòng cốt trong khối liên minh Công - Nông. Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc chí Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân và nông dân mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, sứ mệnh lịch sử, nghị lực phi thường của khối liên minh Công - Nông.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 56 quyết định để công nhân lao động cả nước nghỉ hưởng lương ngày Quốc tế Lao động.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số và chất lượng, đang tiếp tục phát huy vai trò của mình với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng ta đã xác định xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay, nhất là hiện nay trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò của giai cấp công nhân hết sức quan trọng.

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa X), Đảng ta đã ra Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, trong đó xác định: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Đảng cũng đã đề ra mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân trong thời gian tới là: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết hợp tác quốc tế; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói chung trong các doanh nghiệp đều có tổ chức cơ sở Đảng, công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; ngày càng được trí thức hóa: có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật cao”.

Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI chỉ rõ: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Muốn như vậy phải: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cải thiện điều kiện nhà ở, làm việc… để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân”.

 Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, kỷ niệm 132 năm ngày Quốc tế Lao động, giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta nói chung và Cán Bộ, Công nhân viên trường Đại học Lạc Hồng nguyện đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

 

Đoàn - Hội SV Trường

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        16,059,843       8/934