Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


Một số công dụng chữa bệnh của rau càng cua

 

MỘT SỐ CÔNG DỤNG CHỮA BỆNH TỪ RAU CÀNG CUA

Rau càng cua không chỉ là món ăn ngon mà còn là cây thuốc tác dụng chữa nhiều bệnh. Được dùng dưới dạng thức ăn phòng chữa cảm, ho hen, ăn không tiêu, tăng huyết áp.

 

Tên khoa học của rau càng cua là Peperomia Peliucida, thuộc nhóm thân cỏ. Nguyên thủy, rau càng cua xuất phát từ vùng Nam Mỹ, nay được trồng và phát tán rộng rãi trở thành loại cây mọc hoang. Nó là loại rau có nhiều tên gọi lạ như đơn kim, đơn buốt, thích châm thảo, quỳ châm thảo, cương hoa thảo và tiểu quỳ châm. Rau càng cua sinh sôi nảy nở trong môi trường ẩm ướt. Chỉ cần sau vài ba trận mưa, không cần gieo hạt rau có thể mọc xanh um cả mặt đất. Hạt rau càng cua nhỏ li ti lại nhẹ nên dễ phát tán trong gió và nảy mầm bất cứ lúc nào khi gặp điều kiện thuận lợi. Rau còn mọc trong chậu kiểng, bên gốc cây và cả trên nóc đình, trên mái ngói âm dương hoặc trên vách tường nứt nẻ.

Có nhiều tài liệu cho rằng, rau càng cua còn hiệu quả trong chữa bệnh sởi, đậu mùa, những rối loạn về tinh thần và vô sinh ở phụ nữ. Tại nước Nigeria và Cộng hòa Congo người ta dùng loại rau này như một thành phần trong điều trị chứng co giật. Người Nigeria lấy lá rau càng cua làm thuốc đắp chữa bệnh ung thư vú trong khi người Congo lại lấy nước sắc của cây càng cua để ngâm hoặc trộn với muối và dầu cọ dùng trị bệnh ho. Cây thuốc quý từ khắp thế giới.

Một số quốc gia khác trong đó có Philippine, lá càng cua có tác dụng chữa các vết loét và ung nhọt. Đặc biệt tại Trung Quốc và Braxin, cây càng cua dùng chữa mụn nhọt, lở loét da và nước ép từ thân và lá của nó trị được bệnh về mắt như viêm kết mạc. Theo công dụng dân gian của người Java, lá càng cua nghiền nát dùng đắp để trị sốt rét, đau đầu còn nước ép từ lá dùng uống trị đau bụng. Ngoài trị ho, thuốc sắc từ lá càng cua còn dùng trị sốt, bệnh cảm thông thường và ăn sống chữa đau đầu, đau rát cuống họng, cao huyết áp và những vấn đề về tuyến tiền liệt. Tại nhiều quốc gia vùng nhiệt đới, cây càng cua được xem như một thứ gia vị và dùng trong chế biến món trộn hoặc chiên xào. Người châu Phi thỉnh thoảng có ăn rau càng cua và đôi khi trồng cây để làm cảnh.


Ở nước ta, cây càng cua mọc khắp nơi, nhân dân thường lấy về luộc hoặc xào với tỏi có thể làm rau sống ăn rất bổ và mát. Cây được sử dụng làm thuốc thường dùng tươi vì cây mọc suốt bốn mùa. Theo Đông y, rau càng cua có tác dụng bổ âm huyết, thanh nhiệt, giải độc, thông ứ, chỉ thống, lợi tiểu tiện, là món ăn bài thuốc rất thích hợp chữa trị chứng phế nhiệt miệng khô khát, chứng huyết nhiệt sinh mụn nhọt lở ngứa, chứng vị nhiệt sinh táo bón, chứng thận hư, âm hư, bàng quang nhiệt tiểu buốt gắt và chữa chứng đau mỏi cơ khớp do phong nhiệt

Để chữa phế nhiệt, viêm họng hoặc khô cổ khản tiếng lấy rau càng cua rửa sạch nhai ngậm hoặc xay nước để uống mỗi ngày từ 50g – 100g, dùng liền từ 3 – 5 ngày sẽ khỏi. Người có bệnh thiếu máu đừng quên bài thuốc rau càng cua rửa sạch trộn chung với giấm, thịt bò, nêm gia vị vừa ăn xào vừa chín, trộn đều để ăn trong vài lần hoặc 3 lần/tuần.

Rau càng cua (150g – 200g), rửa sạch, nấu chung với 330ml nước cho sôi, để nguội chia hai lần để uống trong ngày, uống liền 5 ngày hoặc ăn sống có thể chữa bệnh tiểu buốt, tiểu khó rất công hiệu. Bệnh nhân đái tháo đường, miệng khát có thể lấy rau càng cua rửa sạch trộn giấm hoặc nước chanh tươi, 100g thịt ếch lột da bỏ đầu, lấy thịt tẩm bột chiên vàng rồi trộn chung với rau để ăn từ 2 – 3 lần.

Nếu bị đau lưng cơ co rút, chỉ cần uống nước sắc từ rau càng cua từ 50g – 100g/ngày bệnh sẽ thuyên giảm. Một số bệnh lý ngoài da như da khô sần, mụn nhọt lở ngứa, vết thương lâu lành nên đắp vết thương với rau càng cua giã nát hoặc xay nhuyễn lọc lấy nước uống. Còn như mụn nhọt lở ngứa do ban nóng, lấy 150g rau càng cua rửa sạch ăn sống hoặc xay nước uống.

Theo: http://khoekhoe.net/vao-bep/rau-cang-cua-cay-thuoc-quy-chua-nhieu-benh.html


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,130,245       1/633