Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân

         Tiền hôn nhân là gì: thời gian từ lúc một người bắt đầu trưởng thành đến khi lập gia đình, không chỉ người lớn mới bước vào thời kỳ tiền hôn nhân mà có thể cả lứa tuổi vị thành niên, những người chưa trưởng thành về mặt tâm lý, xã hội nhưng đã phát triển về bộ máy sinh sản, cũng được xem như đã bước vào thời kỳ tiền hôn nhân.

         Trong điều kiện cuộc sống vật chất đầy đủ lại thêm sự phát triển của thị trường văn hóa phẩm như ngày nay, tuổi trưởng thành đang được "trẻ hóa". Thêm vào đó, tuổi kết hôn trung bình đang ngày càng cao hơn. Có nghĩa là khoảng thời gian tiền hôn nhân đang được kéo dài ra, đây chính là nguyên nhân của tình trạng nạo phá thai và số người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên.

        Thông thường, trước hôn nhân, các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn và gia đình hai bên, ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ thì chỉ quan tâm đến việc chuẩn bị tâm lý, còn vấn đề sức khỏe sinh sản hầu như không được nhắc đến. Nhưng thực tế nhiều trường hợp chỉ vài ngày sau khi kết hôn đã cãi vã, người chồng nghi vợ đã mất trinh trước khi cưới vì lần đầu sinh hoạt vợ chồng không thấy "dấu hiệu"; có trường hợp người phụ nữ ngay sau lần đầu giao hợp đã rơi vào tình trạng lãnh cảm do bị đau đớn bởi sự quá "hào hứng" của chồng. Hay rất nhiều tình huống khác như: người vợ có tử cung thấp nên có chửa là sảy thai, sau 3 lần sảy đi khám mới biết nguyên nhân; có bạn nữ bị bệnh phụ khoa nhưng không dám đi khám chỉ vì chưa có chồng; rồi rất nhiều đứa trẻ sinh ra bị dị tật không được cha mẹ thừa nhận phải đưa vào các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi v.v…

   Những vấn đề trên đều có ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm vợ chồng hoặc ảnh hưởng đến các yếu tố khác như kinh tế, sức khỏe, tâm lý; lâu dài là ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình; sâu rộng hơn là ảnh hưởng đến cộng đồng. Điều đáng nói là phần lớn những rắc rối ấy có thể dự phòng nhằm tránh hoặc giảm nhẹ rủi ro nếu người nam và người nữ được hướng dẫn và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân tốt.

Lợi ích của việc chăm sóc SKSS tiền hôn nhân:

– Chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng.

– Phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.

– Chuẩn bị để có một cuộc sống tình dục thoải mái, thỏa mãn và an toàn nhất.

– Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất.

– Dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn về sau.

Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân như thế nào:

   Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân với các nội dung như: cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản; khám và xét nghiệm nhằm xác định tình trạng sức khỏe, khả năng sinh sản và phát hiện sớm các bệnh tật, điều trị bệnh; thực hiện các biện pháp dự phòng; hướng dẫn v.v… là thuộc chức năng của cơ quan chuyên môn. Nhưng, trước tiên và trên hết vẫn phải là công tác truyền thông, giáo dục. Có hiểu được việc chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình như thế nào thì các đối tượng mới có thể đến với các cơ quan chuyên môn để được chăm sóc SKSS.

   Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ là việc hướng dẫn các biện pháp tránh thai hay sinh hoạt tình dục an toàn, Mà còn nhằm các mục đích hết sức thiết thực và to lớn là chuẩn bị tâm, sinh lý để xây dựng một gia đình hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong xã hội.

 Khuất Thị Mỹ Lương (Phòng Công tác sinh viên) tham khảo từ bài viết đăng trên báo ( khỏe sinh sản tiền hôn nhân ) của Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,294,782       1/368