Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


Bí quyết giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt

Hệ tiêu hóa là một trong những bộ phận quan trọng bậc nhất của cơ thể. Nó giúp cung cấp dinh dưỡng đi nuôi cơ thể từ khi sinh ra đến  trưởng thành.

Có ý kiến cho rằng, hệ tiêu hóa là  “bộ não thứ 2” của cơ thể con người. Vì trạng thái khỏe mạnh hay đau ốm có liên hệ nhiều với chuyện ăn uống là điều hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, bộ máy tiêu hóa không chỉ đơn giản là một phương tiện thẩm lọc những gì ta đưa vào bụng.

Hệ tiêu hóa ở người bao gồm đường tiêu hóa cộng với cơ quan phụ trợ tiêu hóa (lưỡi, tuyến nước bọt, tụy, gan và túi mật).

Khoa học chứng minh, 95% vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa, đường ruột được cấu tạo đặc biệt để phù hợp với chức năng hấp thụ dinh dưỡng và miễn dịch tự nhiên, gồm các nhung mao và vi nhung mao, tạo nên diện tích tiếp xúc lên đến 40 - 50m2. Hệ nhung mao kết hợp với hệ vi sinh đường ruột tạo nên một hàng rào bảo vệ tự nhiên ngăn các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập máu. Ngoài ra tại đường ruột có rất nhiều các tế bào miễn dịch. Có thể nói miễn địch đường ruột là pháo đài quan trọng và lớn nhất của cơ thể để chống lại tác nhân gây bệnh. Đường ruột khỏe mạnh chúng ta sẽ ăn ngon, ngủ tốt và không ốm vặt. Vì vậy, làm gì để có một hệ tiêu hóa hoạt động tốt là rất quan trọng với sức khỏe.

Dưới đây là những bí quyết giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Thực hiện chế độ ăn lành mạnh

Chế độ ăn uống từ thực vật tự nhiên rất có lợi cho hệ thống tiêu hóa. Mỗi quả chuối cung cấp khoảng 15-20% lượng chất xơ cần thiết hàng ngày. Ngoài ra, loại quả này còn chứa fructooligosacarit, một hợp chất tự nhiên có lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn có lợi. Các vi khuẩn có lợi - được gọi là men vi sinh, chịu trách nhiệm cho vô số các hoạt động trong cơ thể bạn, bao gồm tiêu hóa và đào thải thức ăn.

Đi bộ thường xuyên giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Rau xanh cũng giúp cho hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh vì lượng nước và chất xơ cao, lượng carbohydrate và đường tương đối thấp. Các loại thực phẩm như cải xoăn, rau bina và cỏ linh lăng đều là những lựa chọn tốt để tích hợp vào chế độ ăn uống. Mầm bông cải xanh cũng có khả năng kích thích các enzyme giải độc cho hệ thống tiêu hóa.

Ăn một cách tập trung

Bạn không nên xem tivi hay điện thoại trong lúc ăn. Thói quen xao nhãng khi ăn sẽ gây hại cho sức khỏe hệ tiêu hóa. Khi ăn, bạn cũng nên nhai kỹ cho đến khi thức ăn nhuyễn và nên ăn miếng nhỏ sẽ tốt cho hệ tiêu hóa. Do đó, bạn nên sắp xếp, chuẩn bị đủ thời gian cho các bữa ăn để không phải ăn vội vã.

 Uống nước 1 tiếng trước hoặc sau ăn

Uống 1 ly nước trước hoặc sau bữa ăn chính khoảng 60 phút sẽ hỗ trợ cho việc tiêu hóa thức ăn. Đặc biệt khi bạn muốn giảm cân, uống nước sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng ăn quá đà. Ngược lại, trong khi dùng bữa, không nên uống quá nhiều nước mà chỉ uống một ít nước nếu bạn thấy lưỡi cần “nghỉ giải lao”.

Chú ý đến thời gian ăn bữa chính

3 bữa ăn chính bao gồm bữa sáng, bữa trưa và bữa ăn tối. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng bạn không nên bỏ qua bất kỳ bữa ăn nào trong 3 bữa này nếu muốn giữ cho hệ tiêu hóa nói riêng và cả cơ thể nói chung luôn khỏa mạnh.

Các nhà khoa học cũng khuyên bạn nên sắp xếp thời gian và không gian cho bữa ăn: ăn sáng sau 7 giờ, ăn trưa nên được thư giãn, tránh các chủ để căng thẳng và ăn tối sớm, không ăn tối trước giờ ngủ ít hơn 2 giờ.

Hạn chế tối đa ăn thực phẩm sống

Thực phẩm sống là một trong những tác nhân gây ra rối loạn tiêu hóa. Bởi khi tiêu thụ thực phẩm sống dạ dày cần làm việc vất vả hơn. Đó là còn chưa kể đến thực phẩm sống luôn kém an toàn hơn thực phẩm chín. Nhất là khi chưa được chế biến sạch sẽ. Tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại xâm nhập dạ dày. Đối với dạ dày nhạy cảm có thể gây ra phản ứng tức thì của chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy.

Tập thói quen ăn đồ ăn chín để đảm bảo vệ sinh. Giúp bạn tránh được nguy cơ bị ngộ độc thức ăn hoặc rối loạn tiêu hóa.

Bổ sung probiotic hàng ngày

Sở dĩ nên bổ sung probiotic hàng ngày vì probiotic có tác dụng điều hòa nhu động ruột; ngăn ngừa tiêu chảy và táo bón; giúp duy trì và cân bằng lượng khuẩn có lợi và khuẩn gây hại trong đường ruột. Giúp giảm độc tố trong ruột, tăng cường hệ miễn dịch,…

Probiotic có trong một số thực phẩm như: chuối, bột yến mạch, mật ong, kim chi, pho mát,…

Tập thể dục

Một cách khác bạn có thể làm để giúp ích cho hệ tiêu hóa là thực hiện các bài tập thể dục đơn giản hàng ngày. Đại tràng làm việc hiệu quả hơn khi cơ bụng khỏe và liên tục hoạt động. Gập bụng là một bài tập tuyệt vời để tăng cường các cơ bụng, còn đi bộ đơn giản có thể giữ cho hệ thống tiêu hóa của bạn khỏe mạnh bằng cách cải thiện lưu lượng máu đến ruột và ruột kết. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ đi bộ hàng ngày có nguy cơ mắc ung thư ruột thấp hơn 31%.

Theo TS.BS. Nguyễn Văn Long - suckhoedoisong.vn


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,324,651       1/1,058