Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Chuột cống cắn: nguy cơ gây suy thận cao

Nhiễm virus Hanta gây suy thận cao từ chuột cống

 

Trên thế giới, dịch bệnh do virus Hanta gây ra đang hoành hành, ở Việt Nam mới xuất hiện vài trường hợp bị nhiễm virus Hanta gây suy thận do chuột cống gây ra.

 

Người dân tránh bị chuột cắn để không bị lây nhiễm virus Hanta gây suy thận.

Riêng tại Bệnh viện Nhiệt Đới Tp.Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hai trường hợp bị nhiễm virus Hanta. Song may mắn, bệnh nhân đã được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng Khoa nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt Đới cho biết: Chúng tôi đã tiếp nhận một trường hợp (một trong hai trường hợp đã kể trên) là bệnh nhân nam 55 tuổi (cư ngụ ở phường 9, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh) nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, xuất hiện các nốt mẩn đỏ ở ngoài da, sau đó bệnh nhân có các biểu hiện suy thận. Lúc đầu nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết, nhưng sau khi điều trị bệnh không giảm. Vì vậy, các bác sĩ đã gửi mẫu xét nghiệm sang viện Pasteur để kiểm tra Hanta virus. Kết quả cho thấy bệnh nhân trên dương tính với Hanta virus. Được biết trước đó bệnh nhân bị chuột cắn trong khi nằm ngủ. Sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục và hiện xuất viện.

Bác sĩ Trường nhấn mạnh: Chỉ cần bị chuột mang mầm bệnh cắn phải, nước bọt của chúng sẽ dính vào vết thương hoặc văng vào hốc mắt là có thể bị nhiễm virus ngay lập tức. Nguy hiểm hơn, không chỉ bị cắn mà ngay cả nước tiểu và phân của chuột khi thải ra ngoài môi trường, con người hít phải cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Tuy chỉ xuất hiện vài ca lẻ tẻ và không thể lây bệnh từ người sang người nên khó thành dịch nhưng cho đến nay, ngành y tế mới chỉ làm xét nghiệm trên người mà chưa lưu tâm đến các loài gặm nhấm. Trong khi đó, loài chuột này mới là nguy cơ để bùng phát thành dịch. Vì, thông thường khi một con chuột mang virus thì tốc độ lan truyền của nó rất nhanh và dễ theo cơ chế lây truyền ngang. Hiện nay vẫn chưa có vắcxin đặc trị loại virus này.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân, nếu bị các dấu hiệu giống sốt xuất huyết nhưng có tiền sử như bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu, phân chuột thì cần nghĩ ngay đến virus Hanta để thông báo cho bác sĩ để điều trị kịp thời. Nếu điều trị sớm thì người bệnh chỉ cần khoảng 8 – 10 ngày sẽ hồi phục và sẽ không ảnh hưởng đến thận và những biến chứng. Với những người làm nghề sửa ống cống, sống tại các kho bãi có nhiều chuột cần đặc biệt lưu ý đến những biện pháp bảo vệ để tránh bị chuột cắn.

Lan Phương

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,544,607       1/202