Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "Kỳ 20 - Tấm lòng nhân ái của Bác"

Tấm lòng nhân ái, bao dung, yêu thương con người đã làm nên giá trị tinh thần lớn lao và sâu sắc của vị Cha già kính yêu - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm vì con người của Bác đã trở thành một triết lý nhân sinh cao cả, kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại.

Suốt cuộc đời, từ khi bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước đến trước khi vĩnh biệt thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều một lòng vì nước, vì dân. Trong thời gian ở nước ngoài, chứng kiến cảnh công nhân bị áp bức bóc lột, Bác Hồ đã nghĩ đến những người lao động nghèo khổ cùng cảnh ngộ ở đất nước mình. Bác đã từng nói: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. Ngay từ ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Để làm được điều đó, Người đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói và giặc dốt. Thương nhân dân đời sống khó khăn, Bác nhắc nhở nhiệm vụ thường xuyên là xóa đói nghèo, làm cho kinh tế phát triển; người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu và người khá giàu thì giàu thêm. Kinh tế có phát triển, đời sống đồng bào có ấm no thì đất nước mới cường thịnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên, khi đã có chính quyền, phải xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, xa dân; phải dựa vào dân, khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân.


Bác Hồ tại Đại hội II của Đảng, tháng 2-1951 (Ảnh: Internet)

Bác thường dành thời gian đến thăm các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Thấy các cháu nhỏ sức khỏe yếu, Bác đề nghị những nhà lãnh đạo địa phương phải chăm lo đến đời sống người dân từ việc nhỏ nhất. Những khi Tết đến xuân về, dù không có nhiều tiền bạc, quà bánh để tặng những người nghèo khổ, Bác cũng dành thời gian đến với họ.

Một hôm, Bác đến thăm gia đình chị Chín, công nhân khuân vác ở Văn Điển nhân dịp Tết. Chị công nhân cảm động quá, không ngờ được Chủ tịch nước đến thăm, liền ôm Bác khóc òa. Thấy vậy Bác nói: “Bác không đến thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai!”. Đối với Bác, trên đời này không có gì đẹp bằng tình yêu thương con người, yêu thương nhân loại. Làm việc đêm khuya, có bát chè bồi dưỡng, Bác xẻ đôi cho người chiến sĩ bảo vệ cùng ăn. Đi chiến dịch biên giới, Bác không chịu một mình cưỡi ngựa. Bác bảo cả bảy người cùng đi bộ, để ngựa thồ hành lý cho anh em đỡ mệt.


Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát,
huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2/2/1965 (Ảnh: Internet)

Đối với những người lầm đường lạc lối, Bác vẫn đối xử một cách độ lượng, khoan hồng. Năm 1946, Bác tới trại giam Hỏa Lò để thăm hỏi, khuyên bảo những phạm nhân ở đây. Bác tặng áo khoác cho họ, ân cần ngồi bên họ, khuyên bảo họ, nghe họ phân trần, và Người đã rưng rưng nước mắt. Bác thường căn dặn, với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết.

Tình yêu thương con người của Bác không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim của Người. Tấm lòng nhân ái, hết lòng vì con người của Bác, không chỉ dừng lại đối với nhân dân Việt Nam, mà còn mở rộng ra với nhân dân lao động toàn thế giới.

Bác Hồ đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, cho áo ấm, cơm no của dân tộc. Trước lúc vĩnh viễn đi xa Người còn căn dặn: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bè bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

Bài học:

Học tập Bác, chúng ta cần sống vì mọi người, luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, bằng nhữnh hành động, việc làm cụ thể. Hãy chung sức, chung lòng sưởi ấm những người nghèo xung quanh chúng ta là việc làm thiết thực nhất để hưởng ứng cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.

(Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,297,654       1/743