Tin tức

Xuất khẩu robot!

Năm 2003, không ai tin nổi máy cắt kim loại điều khiển số (CNC), một sản phẩm công nghệ cao, lại do một người Việt Nam tự thiết kế, chế tạo, viết phần mềm hoàn chỉnh, chạy tốt và giá chỉ bằng 1/5 so với giá nhập ngoại. Khi được trao huy chương vàng, tác giả của nó, kỹ sư Lê Anh Kiệt và nhiều người vẫn tưởng là nhờ may mắn.

 Tại Techmart 2005, Lê Anh Kiệt tiếp tục nhận được cúp vàng cho sản phẩm máy đóng gói và máy CNC có mức độ tự động hóa cao hơn. Đến lúc này, ai cũng thừa nhận rằng Lê Anh Kiệt đã thành công bằng chính chất xám của mình.

Kiệt sinh ra tại Campuchia, sau khi học xong lớp 1 anh theo gia đình về Việt Nam sinh sống. Học đến lớp 7, phải nghỉ vì gia đình khốn khó, Kiệt theo học hàn kim loại và tập lái cần cẩu. Sau một thời gian tự học, Kiệt đăng ký học bổ túc văn hóa (chương trình lớp 11, 12) tại một trường ở quận 8 – Thành phố Hồ Chí Minh và thi đỗ vào Khoa Điện Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Đây là bước ngoặt giúp Kiệt nuôi giấc mơ đưa rô-bốt Việt Nam ra thế giới.

Tốt nghiệp thủ khoa ngành thiết bị điện Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh khóa 1985, Kiệt được giữ lại trường. Nhưng vì cha bệnh nặng, cần tiền thuốc thang, Kiệt rẽ trái, cầm đồ nghề đi... sửa cần cẩu. Vừa làm thợ cơ khí, anh vừa tự trang bị kiến thức cho mình về tự động hóa.

Trong thời gian này, Kiệt bắt đầu lập trình phần cứng tự động cho các máy cơ khí để giảm tải sức người. Máy CNC ra đời sau đó, máy này có thể “gánh” hết khối lượng công việc thay con người.

Từ năm 2003, những rô-bốt như tay máy xếp gói sản phẩm, rô-bốt hàn, máy cắt kim loại, máy đóng gói tự động... do kỹ sư Kiệt thiết kế, chế tạo, sản xuất tại Việt Nam đã ra đời và thâm nhập thị trường Australia, Đức và một số nước trong khu vực châu Á.

Việt kiều Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty AALink - Australia, kể lại rằng ông đã đưa ra tiêu chuẩn Australia về các sản phẩm để kỹ sư Kiệt thiết kế, chế tạo. Ông hết sức bất ngờ vì những rô-bốt này ngang ngửa tiêu chuẩn các hãng chế tạo máy nổi tiếng trên thế giới. Thị trường khó tính như Australia đã chịu chấp nhận sản phẩm của kỹ sư Kiệt.

Từ năm 2003 đến nay, hàng trăm sản phẩm rô-bốt công nghiệp made in Vietnam đã được xuất khẩu qua Australia. Ông Liêm cho rằng để người tiêu dùng nước ngoài chọn mua một rô-bốt của Việt Nam là điều không dễ. Nhờ tính năng tiện lợi, độ nhanh nhạy và tự động hóa cao rất ổn định, rô bốt Việt Nam đã thuyết phục được họ.

Tháng 11-2006, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã liên hệ với kỹ sư Lê Anh Kiệt để tìm đối tác cho chương trình B2B (liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp) của Chính phủ Đan Mạch. Một doanh nghiệp lớn thuộc Đan Mạch có ý định đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng một nhà máy sản xuất hàng loạt rô-bốt công nghiệp cung cấp cho thị trường Đan Mạch vào cuối năm 2007.

Trước mắt, kỹ sư Kiệt đang thực hiện kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất rô bốt công nghiệp của Việt Nam tại Australia. Ông thổ lộ rằng họ yêu cầu ta xây dựng một nhà máy sản xuất tại đó và ông thấy đây là ý tưởng hay. Tất cả máy móc, linh kiện rô-bốt đều được sản xuất tại Việt Nam, chỉ có lắp ráp là tại Australia. Ông cho rằng đây cũng là cách để chứng minh chúng ta có thể xuất khẩu được linh kiện ngành công nghệ cao.

Những ngày cuối năm, công việc của Lê Anh Kiệt và Ban Chủ nhiệm Chương trình chế tạo rô bốt ở Sở Khoa học - Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (nơi anh Kiệt đang là thành viên) thật bề bộn. Trong anh, ước mơ “có một hãng Mitsubishi của riêng Việt Nam” như anh đã từng nói tại Techmart 2006, nay vẫn còn cháy bỏng.

Theo http://www.tailieuvietnam.com/

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,423,666       4/548