Tin tức

Vì sao "thảm đỏ" đã trải mà người tài vẫn ra đi?

Trong khi Chính phủ đang xúc tiến đề án thu hút nhân lực chất lượng cao vào cơ quan Nhà nước thì làn sóng những công chức, cán bộ có năng lực rời bỏ khu vực công lại diễn ra âm thầm, mạnh mẽ và đến nay chưa có dấu hiệu giảm độ.

Ở Ngân hàng Nhà nước, cơ quan đóng vai trò chính trong kiềm toả lạm phát, chỉ trong một năm có tới hàng trăm đơn thư xin nghỉ việc, trong đó có cả các cán bộ cấp cao như Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Giám đốc Sở Giao dịch.

Tại TP.HCM, làn sóng"chảy máu chất xám" cũng lên tới đỉnh điểm. Một năm, 3 phó giám đốc sở xin từ nhiệm, hàng loạt cán bộ cấp phòng ra đi.

Tuy nhiên, câu chuyện của Ngân hàng Nhà nước hay TP.HCM không phải là cá biệt. Hàng trăm thư phản hồi của độc giả gửi về nói rằng, "chảy máu chất xám" cũng đang diễn ra hàng ngày hàng giờ tại cơ quan, địa phương họ.

Chưa nói tới việc làm thế nào thu hút người tài - tham vọng mà các đề án tuyển dụng hướng tới, việc giữ chân người tài đang trở nên vô cùng nóng bỏng trước sự cạnh tranh nhân lực gay gắt từ khu vực ngoài quốc doanh, vốn năng động và nhiều cơ hội.

Có nhiều lý do để công chức nói lời chia tay. Đồng lương còm cõi không đủ sống trong thời buổi vật giá leo thang chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Điều quan trọng hơn, qua hàng loạt ý kiến của độc giả và những người trong cuộc, môi trường làm việc trì trệ, quan liêu, vì công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng con người thiếu minh bạch, công khai, không dựa trên tiêu chí năng lực mới là nguyên do chính khiến người giỏi thất vọng, muốn ra đi.

Có những ý kiến cho rằng, việc công chức rời bỏ cơ quan Nhà nước sang khu vực tư nhân là hiện tượng bình thường của nền kinh tế thị trường. Điều đó đúng, song chưa bao quát hết toàn bộ vấn đề. Cái giá phải trả sẽ như thế nào nếu khu vực Nhà nước, đóng vai trò định hướng, quản lý cho nền kinh tế - xã hội, nhưng những con người vận hành bộ máy đó lại không có đủ năng lực cần thiết?

Bài học của một Singapore thịnh vượng vẫn còn nguyên giá trị thời sự, khi họ biết vận dụng những chính sách phù hợp, hiệu quả để hút người tài vào khu vực công. "Người tài là men ủ cho sự trỗi dậy của đất nước", thấm nhuần nguyên lý đó, những nước xung quanh như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã biết cách thu hút và quan trọng hơn, là sử dụng con người trong bộ máy.

Điều đáng nói, trong khi làn sóng "chảy máu chất xám" vẫn tiếp diễn, trong khi người tài vẫn thờ ơ với chiếc "thảm đỏ" mà hàng loạt địa phương đua nhau trải ra, vẫn chưa thấy có những động thái cần thiết, những chính sách thực sự đi vào cuộc sống nhằm khắc phục "yếu huyệt" này từ các cấp có trách nhiệm. Người ta vẫn đổ lỗi cho cơ chế chung.

Mở ra diễn đàn này theo yêu cầu của hàng trăm bạn đọc, VietNamNet mong nhận được những ý kiến đóng góp thiết thực, ngõ hầu góp một góc nhìn, một cách thức tiếp cận tham vấn cho các nhà hoạch định chính sách.

VietNamNet

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        9,872,527       17/647