Tin tức

Có thể giữ chân người tài bằng gì?

Bổ nhiệm theo năng lực

Để giữ chân người tài, theo tôi cần chú ý tới những vấn đề sau: Trong công tác bổ nhiệm cán bộ phải dân chủ thực sự không có kiểu dân chủ hình thức mà hiện nay không ít tổ chức đã và đang vấp phải "bệnh"này.

 

Cần xem xét, rà soát lại số cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp bộ, ngành xuống địa phương về chuyên môn nghiệp vụ của họ đã đúng với nhiệm vụ chính trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý của họ hay chưa. Nếu đúng thì năng lực thực tế của họ như thế nào; có đảm trách được nhiệm vụ theo kịp với tình hình mới trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế toàn cầu hoá này hay không.

 

Công tác qui hoạch, bổ nhiệm cán bộ cấp dưới của họ có dân chủ thực sự hay chưa; có đúng với qui định của Nhà nước không, hay chỉ là thủ tục hình thức rồi đưa toàn là “5C” và người thân quen… vào làm rồi thăng quan tiến chức vù vù, dẫn đến hiệu quả chất lượng công việc của những nơi đó vừa kém, phân chia bè phái, phân xử không công bằng; người không có năng lực thì lại lãnh đạo, chỉ đạo người có năng lực và được học hành đúng chuyên ngành; từ đó dẫn đến nhiều điều khuất tất và họ không có cơ hội để thể hiện khả năng phát huy tư duy nghề nghiệp của mình vừa lại nặng nề, thậm chí bức xúc về tâm lý trong công việc hàng ngày.

 

Trong khi đó, các tổ chức dự án, doanh nghiệp ngoài các cơ quan đơn vị nhà nước thì ngược lại; từ khâu tuyển dụng rất thông thoáng, gọn nhẹ… mức lương, việc bồi dưỡng cập nhật chuyên môn và môi trường làm việc rất thân thiện, chu đáo bài bản; thậm chí họ có một bộ phận chuyên săn tìm những người tài để sẵn sàng chiêu mộ về làm lợi cho đơn vị mình. Ngô Khắc Dũng, Phan Chu Trinh, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, email: ngokhacdungk@...

Phải có cơ chế cho người đứng đầu được quyết định

Thực tế người tài khu vực công ra đi ngày càng nhiều là có thực (như báo đã đăng) và xu hướng này càng nhiều nếu không có giải pháp hữu hiệu. Theo tôi, không phải không có cơ chế giữ người tài được nhưng quan trọng phải có một cơ chế cho người đứng đầu tổ chức công được tăng thẩm quyền trong tổ chức cán bộ (chọn, đề bạt bổ nhiệm hoặc cho thôi việc đối với CBCC) và trong sử dụng nguồn ngân sách khoán chi hành chính hiện nay (trả theo chất lượng công việc mà không phụ thuộc vào bảng lương cố định hiện nay, trích khen thưởng kịp thời các thành tích...). Không phải là CBCC không tin và yên tâm với công việc mà quan trọng đối xử công bằng và khuyến khích người tài làm việc. Có giải quyết căn cơ vấn đề trên thì với mức khoán hiện nay vẫn làm việc tốt và khả năng giữ được người tài cao hơn. Vì vậy, nếu điều này là xác đáng thì cần có điều chỉnh sớm. Bùi Quốc Hồng, Tây Sơn, Quy Nhơn, Bình Định, email: bui.quoc.hong@...

Người tài rất sợ làm việc với người kém?
Muốn giữ người tài phải đảm bảo cho họ 3 vấn đề: Thứ nhất, mức lương tương xứng với trí tuệ và sức lao động, vừa thể hiện sự sòng phẳng, vừa bày tỏ sự tôn trọng. Thứ hai, công khai thi tuyển và sử dụng để người tài được làm việc với nhau, tránh tình trạng hiện nay "nửa kín, nửa hở". Người tài rất sợ phải làm việc chung với người kém vì họ hay dùng thủ đoạn. Thứ ba, phải luôn rộng mở để họ vươn lên không ngừng. Đối với người tài thực sự, không có biên giới hữu hình. Phạm Thị Thanh Tâm, Chi hội Luật gia Q.4, Đường 77, P.Tân Phú, Q.7, email: hl_nghixuan@...


Môi trường cống hiến

Những người có năng lực, có tâm huyết của ngành ngân hàng ra đi vì sự đối xử nói chung là không rõ ràng, không đúng mực. Có những người như ông Phước, không cần đến tiền mà cần đến môi trường cống hiến - điều này rất đúng với tâm trạng của một lớp người giỏi hiện nay. Phạm Ti, HCM, email: tigon05@...
 

Cơ hội và điều kiện để khẳng định mình

Đối với người tài, tiền bạc danh vọng không phải là điều quan trọng nhất. Cái quan trọng nhất đối với họ là cơ hội và điều kiện để khẳng định mình, để phát triển và để cống hiến. Một hệ thống quản lý minh bạch, công bằng, có chế độ khen thưởng hợp lý, và đặc biệt là biết trân trọng người tài, là cái mà chúng ta cần phải xây dựng để có thể kêu gọi và phát huy được chất xám của cả người Việt trong và ngoài nước. Tuấn Sơn, Singapore.
 

5 nhu cầu căn bản
Có thể giữ chân người tài bằng gì? Vậy thì ta hãy trả lời con người sinh ra và lớn lên cần có những nhu cầu gì trong cuộc sống? Đáp ứng những nhu cầu đó là sẽ cột chặt được người người tài, chứ không cần phải giữ. Con người sinh ra và lớn lên và tuần tự đòi hỏi 5 nhu cầu căn bản, đó là: Nhu cầu được ăn no mặc ấm, nói chung là ăn ngủ nghỉ tốt; Nhu cầu được an toàn, tức là những nhu cầu bảo hiểm xã hội và an sinh về tuổi già tốt; Nhu cầu được sinh hoạt cộng đồng, được du lịch và giao lưu, giao tiếp xã hội; Nhu cầu được xã hội tôn trọng; Nhu cầu được tự khẳng định mình. Email: ducthanhtayninh@...

Tiền không phải là tất cả

Tiền không phải là tất cả. Theo tôi, một người thật sự tài mà họ tâm huyết với công việc thì họ không phải nịnh bợ ai cả nên không được lòng cấp trên và bị đồng nghiệp ghen ghét. Người thật sự có tài tâm huyết với công việc mà họ cống hiến nhưng không được đề bạt, hay nâng lương thì họ cũng thấy bất mãn với những người bất tài nhưng nịnh bợ lãnh đạo và lại được đề bạt vào những vị trí không tương xứng với trình độ mình có. Nên những người có tài họ ra đi đến chỗ nào thực sự trọng tài để họ có cơ hội cống hiến và trả công tương xứng với trình độ của họ mà thôi. Email: anhthanh@...

 

Đãi ngộ xứng đáng

Muốn giữ người tài, không còn cách nào hơn là công sức đóng góp của họ được ghi nhận đúng, đầy đủ, có sự đãi ngộ một cách xứng đáng, phân biệt rõ ràng với kẻ bất tài. Và được làm việc trong môi trường thật sự dân chủ. Dân chủ đúng với nghĩa của nó, như mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Rất đồng tình với VietNamNet mở chuyên mục này để mọi người cùng bàn luận, hiến kế cho Đảng, Nhà nước giữ được người tài giúp chấn hưng đất nước. Email: quiduc05@...


 

Giữ chân người tài bằng văn hóa
Theo tôi, muốn giữ chân người tài, không thể chỉ nói đơn giản là bằng tiền bạc hay tình cảm. Một mức thu nhập xứng đáng, một môi trường làm việc khuyến khích sáng tạo và tôn vinh những giá trị của sự sáng tạo, một văn hóa doanh nghiệp khiến mỗi thành viên đều có thể tự hào và tự nguyện gắn kết... có rất nhiều yếu tố mà các doanh nghiệp nhà nước có thể làm và phải làm được để giữ và khuyến khích người tài phát huy năng lực... Hoan nghênh VietNamNet đưa ra loạt bài mới này - một chủ đề có thể nói là rất đáng được quan tâm nếu muốn phát triển đất nước. Kim Thanh, Hà Nội, email: kthanh09@...

Cần sự minh bạch và cơ chế làm việc

Thực ra câu hỏi này đã có sẵn câu trả lời, điều quan trọng là chính sách nhà nước đáp ứng và sử dụng nó ra sao mà thôi. Để giữ chân người tài thì chỗ làm việc đó đáp ứng được nhu cầu của họ. Bài toán 1: tiền lương, sự minh bạch tài chính. Bài toán 2: cơ chế làm việc, cơ chế đề bạt, cơ chế tăng thưởng... Đó chính là tạo ra sự "cạnh tranh" trong công việc. Một người ra đi là do cảm thấy cơ quan đó không còn phù hợp với mình nữa, vì sao thì các cơ quan đó biết rõ nhất... Phạm Vũ Nam, Ngô Quyền, email: tieu_dieu2004@...
 

Đánh giá đúng năng lực
Nên giữ người tài, người có tâm huyết với nghề, không chỉ bằng tiền mà bằng việc đánh giá chính năng lực của chính họ không nên để tình trạng "người dốt thì cơ cấu hết địa vị này đến địa vị khác và người giỏi thì bỏ qua" "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa". Làm cho nước ngoài người ta trả lương theo đúng năng lực, ai giỏi, ai dốt đều được thể hiện trên công việc. H.T.H, Hà Nội.

VietNamNet

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,422,268       4/535