Tuyển sinh Đại học

Robocon - Nơi bắt đầu những ước mơ

Vì sao các đại diện của Đại học Lạc Hồng liên tục đạt được những thành tích xuất sắc tại sân chơi Robocon trong những năm gần đây?

Đại học Lạc Hồng và những thành tích ấn tượng tại Robocon Việt Nam

Năm 2005 là khi cuộc thi Sáng tạo Robot - Robocon mới vào Việt Nam được 3 năm, là một cuộc thi robot với quy mô toàn quốc. Thời điểm ấy, Robocon là sân chơi đầy mới lạ, hấp dẫn cho sinh viên yêu thích và đam mê sáng tạo công nghệ. Cuộc thi đã đánh dấu con số các đội đăng ký tham gia ở mức kỷ lục là 300 đội. Đây cũng là lần đầu tiên Đại học Lạc Hồng - một cái tên còn rất mới mẻ trong cộng đồng sinh viên yêu công nghệ - tham gia Robocon Việt Nam.

Năm 2010 là lần đầu tiên đội tuyển của Đại học Lạc Hồng bước lên ngôi vô địch Robocon Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc mở ra 9 năm tiếp theo gặt hái vô số chức vô địch của Đại học Lạc Hồng tại cuộc thi này.

Năm 2014 là lần đầu tiên Đại học Lạc Hồng bước lên ngôi vô địch ở cuộc thi quốc tế, đưa Việt Nam lên ngôi vị cao nhất sau 7 năm bị gián đoạn.

Nhà vô địch Robocon Việt Nam 2019 đã chuẩn bị những gì cho ABU Robocon?

Tháng 8 hàng năm là thời điểm đề thi Robocon chính thức được công bố. Mỗi năm, đề thi lại mang tới một bài toán hoàn toàn mới. Những giải pháp kĩ thuật tối ưu nhất của năm trước chưa chắc đã phát huy được hiệu quả trong năm tiếp theo. Điều này giúp cho cuộc chơi trở nên công bằng hơn. Cơ hội dành cho tất cả các đội là như nhau, dù là đương kim vô địch hay tân binh lần đầu tham dự.

Ấn tượng của khán giả về LH-WAO tại vòng chung kết là robot có bước nhảy đẹp mắt

Lần đầu tiên trong 18 năm tổ chức, cuộc thi Robocon công bố một đề thi yêu cầu robot phải bước đi giống như một chú ngựa thay vì di chuyển bằng bánh xe thông thường. Cái khó đầu tiên được nhận diện là về mặt chế tạo cơ khí. Từ những thử thách về mặt cơ khí chế tạo sẽ dẫn đến những khó khăn về mặt điều khiển. Đã rất nhiều năm, các thí sinh tham gia sân chơi Robocon phát triển và hoàn thiện công nghệ điều khiển robot chuyển động bằng bánh xe. Tuy nhiên đến năm nay, công nghệ đó phải thay đổi hoàn toàn.

Ở vòng chung kết Robocon Việt Nam 2019, ấn tượng của khán giả về LH-WAO là robot có bước nhảy đẹp mắt. Robot MR2 của đội có khả năng vượt chướng ngại vật như một chú ngựa phi qua rào.

Tuy nhiên, khi bước vào cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon), cơ cấu chính của chú robot này đã được thay đổi hoàn toàn. Thay vì động tác bật nhảy quen thuộc, MR2 đã được cải tiến bằng cách sử dụng cơ cấu bật móng, được lấy cảm hứng từ chuyển động của những chiếc xúc tu bạch tuộc.

Đây là ý tưởng thiết kế được kế thừa từ một đội "anh em" của LH-WAO tại Đại học Lạc Hồng. Với sự cải tiến, nâng cấp của các thành viên LH-WAO, chú robot này hy vọng sẽ tạo ra những bất ngờ tại cuộc thi ABU Robocon 2019. Thống nhất về thiết kế và cấu tạo, LH-WAO tiếp tục với công cuộc "ép cân" cho robot bởi một chú robot nặng sẽ không thể chạy nhanh được.

MR2 của LH-WAO gây ấn tượng trên sân thi đấu với những cú nhảy vượt chướng ngại vật như một chú ngựa phi qua rào

Yếu tố may mắn khi ném Shagai quyết định khá nhiều đến chiến thắng của các đội tuyển. Chính lúc này, hoạt động của MR1 đóng vai trò rất lớn trong việc mang tới chiến thắng cho toàn đội. Chính vì thế, LH-WAO đã quyết định thay đổi toàn bộ cơ cấu động cơ và bánh xe của MR1. Họ dùng 8 động cơ để điều khiển 4 bánh xe, đảm bảo tính linh động, giảm thiểu ma sát của bánh.

Công nghệ bánh xe thời kỳ đầu của Robocon là những chiếc bánh không đảo hướng. Một vài năm trở lại đây, những chiếc bánh xe này được thay thế bằng bánh xe đa hướng Omni. Và năm nay, Lạc Hồng tiếp tục nâng công nghệ lên một bậc nữa khi sử dụng bánh xe không đảo hướng nhưng tích hợp bộ điều hướng cho từng bánh như xe hơi.

Ẩn số LH-WAO

LH-WAO là viết tắt của tên trường và cụm từ "We Are One" (Chúng ta là một). Với cái tên này, các thành viên mong muốn cả đội sẽ đoàn kết, chung một ý chí, chung một mục đích và chung một hành động.

LH-WAO gồm 12 thành viên, trong đó có 3 thành viên trực tiếp ra sân thi đấu là: Dương Anh Vũ, Nguyễn Trần Quang Vũ và Lê Quang Thắng. Ba người bạn này đều sinh năm 1997, hiện đang là sinh viên năm thứ 3, khoa Cơ điện - Điện tử, Đại học Lạc Hồng. Trước khi thành lập LH-WAO, những gì 3 chàng trai này biết về chế tạo robot hoàn toàn chỉ là trên lý thuyết. Kinh nghiệm thực hành chỉ là con số 0.

ABU Robocon 2019 được tổ chức tại Ulaanbaatar, Mông Cổ vào ngày 25/0/2019

Những gian khổ mà LH-WAO trải qua thật không dễ để đong đếm được. Đó là chuỗi ngày quên ăn quên ngủ, hàng tháng trời không ngày nghỉ ở xưởng sản xuất robot, là câu chuyện về kinh phí, là vòng quay chế tạo rồi lỗi, hỏng và chế tạo lại. Các bạn làm robot vì những giấc mơ rất đẹp của tuổi trẻ. Giấc mơ ấy không dừng lại ở cuộc thi này mà còn tiếp nối ngay cả khi các bạn ra trường.

Đội tuyển LH-WAO của Đại học Lạc Hồng đã xuất sắc giành ngôi vô địch cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2019 (Robocon Việt Nam 2019) và trở thành đội tuyển đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon) diễn ra tại Mông Cổ vào ngày 25/08. 

Mục đích khi đi thi tại vòng quốc tế không phải là chuyện thắng thua. Điều quan trọng nhất là khi đi ra quốc tế, đại diện Việt Nam mang tới một sản phẩm để bạn bè quốc tế nhìn vào sẽ thấy có sự sáng tạo. Từ đó, họ sẽ đánh giá cao năng lực của sinh viên Việt Nam, đánh giá cao nền khoa học công nghệ của Việt Nam. Sau tất cả, trận đấu có thể dừng lại, robot có thể lặng im xếp lại thành một góc của quá khứ nhưng các tài năng trẻ vẫn đang bước đi, đi xa hơn những trận thắng tuyệt đối, đi xa hơn một chức vô địch.

 

Phạm Trung Hiếu

Robocon 2019


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,517,047       41/635