Hoạt động

Đẩy mạnh công nghiệp bán dẫn Đồng Nai: Hành trình kiến tạo tương lai công nghệ

Chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại Đồng Nai là việc làm quan trọng, cần có sự chung tay của các bên liên quan nhằm phát uy tối đa nguồn lực hiện có, trong đó, 3 trụ cột lớn là: Chính quyền - Doanh nghiệp - Trường đại học.

Xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh: Sự phối hợp giữa ba trụ cột quan trọng

PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết: "Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Đồng Nai, cần có sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và trường đại học".

Theo Thầy Quỳnh, cả ba trụ cột Chính quyền - Doanh nghiệp - Trường đại học đã có những nỗ lực phối hợp như sau:

Chính quyền: Chính quyền Đồng Nai đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn, thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, và thủ tục đầu tư đơn giản hóa cho các doanh nghiệp công nghệ. Chính quyền cũng hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khuyến khích các dự án đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.

Doanh nghiệp: Các tập đoàn bán dẫn quốc tế như onsemi, intel, synopsys đã bắt đầu hợp tác với các trường đại học, cụ thể là Đại học Lạc Hồng để triển khai các chương trình thực tập để sinh viên tiếp cận sớm với công nghệ bán dẫn thực tế. onsemi còn trực tiếp đào tạo cho giáo viên và sinh viên tại Đại học Lạc Hồng, onsemi trao những suất học bổng có giá trị để kích thích sinh viên theo đuổi lĩnh vực này. Tập đoàn synopsys, dự án ITSI của mỹ đang đào tạo giáo viên cho LHU lĩnh vực bán dẫn.

Trường đại học: Đại học Lạc Hồng và các trường khác tại Đồng Nai đã tập trung đào tạo kỹ sư bán dẫn và các ngành liên quan, đầu tư vào phòng lab vi mạch, trang bị phần mềm và thiết bị bản quyền. Ngoài ra, LHU cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế, gửi giảng viên và sinh viên đi đào tạo tại Đài Loan lĩnh vực bán dẫn và hợp tác nghiên cứu với các đối tác công nghệ hàng đầu.

Ba trụ cột này đang phối hợp chặt chẽ, tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm của từng bên để xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp bán dẫn tại Đồng Nai trong tương lai.

Cơ sở đào tạo có nhiều đóng góp và giải pháp cho nguồn nhân lực ngành bán dẫn

Trong thời gian qua, Đại học Lạc Hồng đã có nhiều bước chuẩn bị để tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn với các hoạt động nổi bật như sau:

Xây dựng hạ tầng và đầu tư công nghệ: Trường đã đầu tư một phòng lab vi mạch hiện đại, trang bị phần mềm thiết kế bản quyền Synopsys và các bộ board mạch phần cứng mô phỏng vi mạch để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Điều này giúp sinh viên có thể thực hành trực tiếp với các công cụ thiết kế tiêu chuẩn ngành.

Hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế: Đại học Lạc Hồng đã hợp tác với các đối tác như onsemi, Đại học Bang Arizona (ASU), Sun Edu, và các trường đại học tại Đài Loan. Các chương trình hợp tác này không chỉ cung cấp kiến thức thực tế mà còn tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với công nghệ tiên tiến từ các quốc gia có ngành bán dẫn phát triển.

Đào tạo chuyên sâu cho giảng viên và sinh viên: Nhà trường đã tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên sâu cho giảng viên về vi mạch bán dẫn, với sự tài trợ từ quỹ ITSI. Một số giảng viên được gửi sang Đài Loan để nâng cao trình độ chuyên môn, giúp đảm bảo chất lượng giảng dạy cao. Giảng viên cũng được vào onsemi để nghiên cứu trên dây chuyền sản xuất thực tế của doanh nghiệp.

Chương trình thực tập và hội thảo quốc tế: LHU tích cực tổ chức các chương trình thực tập tại các doanh nghiệp công nghệ cao, đồng thời đưa giảng viên và sinh viên tham gia hội thảo quốc tế về vi mạch bán dẫn để cập nhật kiến thức, xu hướng mới nhất trong ngành bán dẫn.

Những nỗ lực này giúp sinh viên Đại học Lạc Hồng có nền tảng vững chắc để bước vào ngành công nghiệp bán dẫn và đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao tại Đồng Nai cũng như các tỉnh thành khác trong tương lai.

Trường đại học Lạc Hồng là một trong những cơ sở đi đầu trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại Đồng Nai và khu vực Đông Nam Bộ

Thầy Quỳnh cho biết, trong quá trình triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Đại học Lạc Hồng có một số thuận lợi, đó là sự hỗ trợ từ chính quyền và doanh nghiệp.

"Chính quyền Đồng Nai cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước như onsemi, Sun Edu, và các tổ chức giáo dục quốc tế đã hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện cho nhà trường trong việc thiết lập cơ sở vật chất, cung cấp tài trợ và hỗ trợ chương trình đào tạo. Các chương trình hợp tác này giúp sinh viên và giảng viên tiếp cận công nghệ hiện đại, đồng thời mở ra cơ hội thực tập và làm việc"  Thầy Quỳnh nói.

Bên cạnh đó, Nhà trường có đội ngũ giảng viên nhiệt huyết, được đào tạo tại các nước phát triển trong ngành bán dẫn như Đài Loan, Trung Quốc. Nhờ đó, các giảng viên nắm bắt được các kiến thức và kỹ năng mới nhất, mang lại chất lượng đào tạo cao cho sinh viên.

"Trường đã đầu tư vào phòng lab vi mạch với phần mềm thiết kế bản quyền Synopsys và các hệ thống mô phỏng thiết kế vi mạch. Điều này cho phép sinh viên thực hành và nghiên cứu ngay tại trường với các công cụ và thiết bị đạt chuẩn ngành" - Phó Hiệu trưởng LHU nói thêm.

Nhà trường có mạng lưới quan hệ rộng với các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ cao tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Điều này không chỉ mang lại cơ hội học tập, thực tập và trao đổi sinh viên, mà còn giúp sinh viên tiếp cận với các chương trình trao đổi kiến thức, hội thảo chuyên ngành và các nghiên cứu mới nhất.

Với xu hướng đầu tư phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam và khu vực Đồng Nai, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư bán dẫn rất lớn. Đây là động lực mạnh mẽ, giúp nhà trường dễ dàng thu hút sinh viên vào các ngành học liên quan và tạo nền tảng để phát triển lâu dài trong lĩnh vực đào tạo này.

Những thuận lợi trên giúp Đại học Lạc Hồng tự tin trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần vào sự phát triển của ngành tại Đồng Nai và cả nước.

Dù có nhiều thuận lợi, Đại học Lạc Hồng cũng đối mặt với một số khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Từ góc nhìn của mình, PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh đánh giá, những thách thức đó là:

Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao: Ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành phức tạp. Để đào tạo được đội ngũ giảng viên và chuyên gia đáp ứng yêu cầu này là một thách thức, nhất là khi ngành còn khá mới ở Việt Nam, khiến việc tìm kiếm và duy trì đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu không dễ dàng.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đào tạo lĩnh vực vi mạch, LHU đã cử giảng viên tham gia các khoá học chuyên sâu trong lĩnh vực này

Chi phí đầu tư cao: Trang thiết bị, phần mềm thiết kế vi mạch và cơ sở vật chất cho ngành bán dẫn rất đắt đỏ. Việc đầu tư phòng lab, thiết bị mô phỏng, bản quyền phần mềm và duy trì các chương trình đào tạo quốc tế đòi hỏi nguồn vốn lớn, gây áp lực tài chính cho nhà trường.

Cạnh tranh thu hút nhân lực với đơn vị khác: Các tập đoàn công nghệ cao và doanh nghiệp bán dẫn thường có các chương trình thu hút nhân tài mạnh mẽ, tạo sức hút lớn đối với các giảng viên giỏi. Điều này khiến trường đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khi các giảng viên được đào tạo tốt có thể bị thu hút vào các vị trí khác trong ngành.

Thách thức trong xây dựng chương trình đào tạo phù hợp: Ngành bán dẫn đòi hỏi chương trình đào tạo phải cập nhật thường xuyên theo các tiến bộ công nghệ mới nhất. Việc xây dựng và liên tục điều chỉnh chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi thời gian và công sức.

Áp lực đảm bảo đầu ra việc làm: Mặc dù nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn đang tăng, vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa trường, doanh nghiệp và chính quyền để đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Điều này đòi hỏi nhà trường phải không ngừng mở rộng mạng lưới đối tác và thúc đẩy quan hệ hợp tác để tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên.

Những thách thức trên đòi hỏi Đại học Lạc Hồng phải có chiến lược dài hạn, phối hợp hiệu quả với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương để đảm bảo chương trình đào tạo chất lượng và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai.

Ra Khơi

LHU; công nghiệp bán dẫn; Vi mạch; Chính quyền tỉnh Đồng Nai; Nhân lực ngành vi mạch


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        10,049,913       5/602