“Em nghe nói học xây dựng là phải suốt ngày ra công trường, đội nón bảo hộ, giám sát công trình đúng không ạ?”
Đó là câu hỏi quen thuộc mà nhiều bạn học sinh, sinh viên thường đặt ra khi cân nhắc chọn ngành. Nhưng nếu chỉ nghĩ như vậy, Anh/Chị đã vô tình đánh giá thấp một trong những ngành nghề có tính ứng dụng cao, linh hoạt và có cơ hội phát triển bậc nhất hiện nay. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng học xây dựng đồng nghĩa với việc suốt ngày cầm bản vẽ, đội nón bảo hộ, ra công trường làm việc giữa nắng gió, bụi bặm – một công việc vất vả, khô khan và ít lựa chọn. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Ngành xây dựng rộng lớn và đầy tiềm năng. Trong một lớp học xây dựng, người ra công trường, người ngồi làm việc văn phòng máy lạnh, người khởi nghiệp, người theo hướng thiết kế, người trở thành giảng viên, người làm ngân hàng, tài chính, nhà nước, thậm chí có người làm chủ tịch tỉnh, thủ tướng hoặc phát triển phần mềm phục vụ ngành.
Việc học xây dựng không giới hạn Anh/Chị trong một lối đi cố định, mà ngược lại, mở ra nhiều ngã rẽ phong phú tùy theo năng lực, sở thích và định hướng của mỗi người. Trong suốt những năm đại học, điều quan trọng không chỉ là tiếp thu kiến thức chuyên môn, mà còn là hành trình khám phá chính mình: yêu thích điều gì, điểm mạnh ra sao, kỹ năng còn thiếu là gì, và con đường nào thực sự phù hợp với bản thân? Một trong những lựa chọn phổ biến – nhưng cũng nhiều thử thách nhất – là kỹ sư hiện trường. Công việc bao gồm đọc bản vẽ, giám sát thi công, kiểm tra bê tông, cốt pha, lập hồ sơ thanh toán, phối hợp với đội ngũ điện – nước – điều hòa – kết cấu,… Làm việc từ sáng sớm đến tối khuya trong môi trường công trình giúp rèn luyện bản lĩnh và kỹ năng thực tế – nền tảng không thể thiếu nếu Anh/Chị muốn phát triển thành quản lý sau này. Đây được xem là “gốc nghề” để đi xa trong lĩnh vực xây dựng.
Nếu Anh/Chị thích công việc thiên về sáng tạo, tư duy kỹ thuật và thẩm mỹ, thì thiết kế là lựa chọn lý tưởng – từ kết cấu, kiến trúc đến nội thất. Những công việc này đòi hỏi thành thạo phần mềm chuyên dụng, tư duy logic, phối hợp nhóm hiệu quả và cả khả năng mô phỏng 3D. Vai trò như Chuyên gia Mô hình hóa Thông tin Xây dựng (BIM) đang ngày càng được săn đón – không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, kỹ sư tư vấn giám sát – đại diện cho chủ đầu tư – là người kiểm tra chất lượng, tiến độ và khối lượng thi công. Dù vẫn ra công trình, nhưng công việc này nhẹ nhàng hơn thi công, phù hợp với người có chính kiến, khả năng giao tiếp tốt và tính cẩn trọng cao.
Một hướng đi quan trọng khác chính là quản lý dự án – nơi hội tụ đầy đủ kỹ năng: kỹ thuật, pháp lý, tài chính, tổ chức nhân lực và giao tiếp. Người làm công việc này không cần chuyên sâu một mảng, nhưng phải biết tổng quát và điều phối hiệu quả. Đây là vị trí có áp lực cao nhưng đổi lại là mức thu nhập xứng đáng và cơ hội phát triển nhanh chóng. Nếu Anh/Chị thích sự ổn định, yêu cầu chính xác cao, thì các vị trí như làm hồ sơ thanh toán, hoàn công, bóc tách khối lượng, khái toán dự toán... rất phù hợp. Những công việc này đòi hỏi tư duy số liệu, tính hệ thống, kiên nhẫn và khả năng làm việc độc lập cao. Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp rất cần nhân sự nữ cho các vị trí kỹ thuật – văn phòng, bởi sự cẩn thận và chuyên nghiệp mà các bạn nữ mang lại.
Không dừng lại ở các vai trò kỹ thuật, người học xây dựng còn có thể mở rộng ra nhiều lĩnh vực: kinh doanh vật liệu, cung cấp phần mềm kỹ thuật, làm ngân hàng giải ngân dự án, làm tư vấn quốc tế. Nếu có kỹ năng ngoại ngữ tốt, Anh/Chị có thể làm việc trong các tổ chức quốc tế, đi công tác nước ngoài, thu nhập cao và trải nghiệm đa văn hóa. Thực tế cho thấy, rất nhiều người học xây dựng nhưng sau vài năm làm việc đã chuyển hướng thành công: có người phát hiện đam mê với nội thất, kiến trúc nên quay lại học thêm và mở studio riêng; có người học cao học, trở thành giảng viên đại học, mang kinh nghiệm thực tế truyền lại cho thế hệ sau. Thậm chí, việc trở thành chủ doanh nghiệp chỉ sau 3–5 năm ra trường là rất phổ biến. Điển hình như khoảng 80% giảng viên tại Khoa Kỹ thuật Công trình – Trường Đại học Lạc Hồng đều từng tốt nghiệp ngành xây dựng và hiện là giám đốc doanh nghiệp hoặc đồng sáng lập công ty xây dựng.
Mỗi người một con đường, không ai giống ai. Vì thế, ngay từ khi còn là sinh viên, Anh/Chị nên chủ động đi thực tập, làm thêm, trải nghiệm nhiều vị trí để sớm hiểu bản thân phù hợp với lĩnh vực nào. Đừng đợi đến năm cuối mới hoang mang chọn hướng đi, vì khi đó có thể đã quá muộn để khám phá và chuẩn bị. Và đặc biệt, đừng bao giờ nghĩ rằng học xây dựng thì cả đời chỉ làm công trình. Nhiều kỹ sư đã chuyển hướng thành công: làm chủ đầu tư, môi giới bất động sản, giáo dục, phần mềm kỹ thuật, kinh doanh tự do,... Bởi vì người học xây dựng được đào tạo tư duy logic, kỹ năng tổ chức và năng lực thích nghi – ba yếu tố then chốt để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Học xây dựng không hề bó buộc Anh/Chị trong một khuôn mẫu. Trái lại, nó là một nền tảng vững chắc để Anh/Chị chủ động bước vào đời với sự tự tin, bản lĩnh và tầm nhìn xa. Quan trọng nhất, hãy luôn tự hỏi: Mình thực sự muốn gì? Mình chịu được điều gì? Và mình cần học thêm điều gì để bứt phá? Đừng để người khác định nghĩa con đường của bạn. Hãy để ngành xây dựng trở thành nền tảng vững chắc giúp bạn xây chính tương lai của mình – vững vàng, linh hoạt và đầy triển vọng. Kỹ thuật công trình – Định hình tương lai.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
📍 Địa chỉ: Khoa Kỹ Thuật Công Trình (Văn phòng Khoa - Cơ sở 1 - Tòa nhà C, Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai).
🔗 Fanpage: KHOA KỸ THUẬT CÔNG TRÌNH - LHU
☎ Hotline: 0918 453 882 (Nguyễn Khánh Hùng - Trưởng khoa) - 0912 656 356 (Phó Trưởng Khoa - Thầy Nguyễn Thành Trung)