Dưới mái trường

VẤN ĐỀ TỰ HỌC Ở ĐẠI HỌC

Lối dạy “thầy truyền thụ, trò tiếp thu” ngự trị bao năm trong nền Giáo dục Việt Nam cho đến nay có thể nói vẫn chưa thực sự được xóa bỏ. Chính lối dạy và cách học thụ động như thế đã vô tình trở thành rào cản khiến người học khó có thể tự mình lĩnh hội được kiến thức. Đối với sinh viên Đại học việc tự học có vai trò đặc biệt quan trọng. Phần lớn sinh viên khi mới bước chân vào ngưỡng cửa Đại học thường ngỡ ngàng và lúng túng với cách giảng dạy và học tập mới. Bởi vì họ đã quá quen với cách học ở Phổ thông, thầy dạy bao nhiêu trò tiếp thu bấy nhiêu. Mặc dù gần đây phương pháp giáo dục của Việt Nam đã bắt đầu chuyển sang cách giảng dạy mà ở đó học trò là người trực tiếp tìm hiểu, lĩnh hội kiến thức còn người thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn chứ không phải là người truyền thụ nhưng việc tự học của học sinh – sinh viên vẫn chưa thực sự có hiệu quả.
Vậy thế nào là tự học? Và làm thế nào để việc tự học thực sự có hiệu quả?
Tự học là tự mình động não suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ cùng các phẩm chất khác của mình, cả động cơ và tình cảm, thế giới quan để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó thành sở hữu của mình. Có thể nói một cách ngắn gọn tự học là quá trình tư duy độc lập để khám phá và sáng tạo.
Có nhiều cách tự học như: tự mình mò mẫm (người học không có điều kiện đi học, các tri thức họ có được là do sự tìm tòi trải nghiệm của chính bản thân họ trong cuộc sống), tự học không cần thầy hướng dẫn (người học đã có một trình độ học vấn nhất định, đã có một thời gian dài học với thầy), tự học với sự hướng dẫn của thầy (hoạt động tự học này gắn với quá trình dạy học).
Đối với Sinh viên, hoạt động tự học gắn liền với sự hướng dẫn của thầy. Họat động này sẽ diễn ra ở hai phạm vi: tự học trên lớp và tự học ngoài giờ lên lớp.
* Tự học trên lớp.
- Nghe giáo viên giảng và hướng dẫn.
- Ghi chép theo cách hiểu của bản thân.
- Trao đổi với thầy và bạn những vấn đề còn thắc mắc.
* Tự học ở ngoài lớp.
- Đọc giáo trình, tư liệu tham khảo (Giáo viên thường hướng dẫn những sách cần tham khảo khi bắt đầu một môn học mới).
+ Đọc lướt để nắm ý chung.
+ Đọc kỹ nắm ý chi tiết.
+ Đọc và nắm thông tin theo từng chủ đề.
+ Ghi chép lại những vấn đề đọc được.
-   Lập nhóm học để tiến hành thảo luận theo nhóm.
+ Lên lịch thảo luận nhóm vào một số buổi trong tuần.
+ Nhóm trưởng phân công công việc cho các thành viên trong nhóm để việc thu thập tài liệu được tiến hành đầy đủ, phong phú.
+ Các thành viên trong nhóm khi thu thập tài liệu gặp những vấn đề thắc mắc cần tập hợp lại đem ra trao đổi vào các buổi thảo luận.
- Hoàn thành các bài tập được giao và tìm thêm những bài tập cùng dạng để làm nhằm rèn luyện những kiến thức cần học cho thuần thục.
- Đối với từng môn học cần làm đề cương ôn tập để hệ thống kiến thức đã học đồng thời bổ sung thêm những kiến thức tự học nhằm làm cho kiến thức được khắc họa sâu và phong phú.
- Tiến hành làm các đề án, các đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn Tốt nghiệp…
Để việc tự học được thuận lợi, Sinh viên ngay từ khi bước chân vào giảng đường Đại học cần chuẩn bị cho mình tâm lý sẵn sàng với cách học mới. Khi đã chuẩn bị tâm lý thì việc sắp xếp, tổ chức thời gian cho việc tự học cần được tiến hành một cách khoa học với các hoạt động cụ thể. Từ đó Sinh viên mới có thể tiến hành tự học một cách nề nếp và có kế hoạch.
Ngày nay khi khoa học, công nghệ phát triển mạnh, thông tin bùng nổ thì những kiến thức trong nhà trường chỉ là kiến thức nền tảng để trên cơ sở đó người học vươn ra tiếp thu kiến thức trong gia đình và ngoài xã hội. Vấn đề tự học lúc này trở thành con đường cơ bản để nâng cao trình độ hiểu biết cho bản thân. Để hoàn thành tốt chương trình học ở bậc Đại học và cũng là để chuẩn bị cho mình một hành trang tốt khi bước vào cuộc đời, mỗi chúng ta cần xây dựng cho mình kế hoạch học tập khoa học và sáng tạo phù hợp với năng lực của bản thân.
Chúc các bạn thành công!  
Thu Hiền

đại học, tự học, vấn đề


        • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
        • Điện thoại: 0251 3952 778
        • Email: lachong@lhu.edu.vn
        • © 2023 Đại học Lạc Hồng
          8,237,032       15/797