Tiêu điểm

Bỏ phần đề thi tự chọn, tăng lệ phí tuyển sinh

       Chuẩn bị cho các kỳ thi năm 2008, Bộ GD-ĐT khẳng định về cơ bản các kỳ thi vẫn tiếp tục được thực hiện như năm 2007. Riêng kỳ thi tuyển sinh ĐH ngoài việc tăng thêm thi trắc nghiệm đối với hai môn tiếng Đức và tiếng Nhật ở khối D, hầu như không có thay đổi nào đáng kể. Tuy nhiên trên thực tế, một số điều chỉnh do bộ đưa ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuẩn bị, đăng ký, dự thi của thí sinh (TS).

Đề thi: chỉ còn phần bắt buộc

      

Các trường CĐ cũng "3 chung"
Theo Bộ GD-ĐT, trong năm 2008 những trường CĐ có tổ chức thi sẽ thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, kể cả môn tự luận lẫn trắc nghiệm (ngoại trừ các môn năng khiếu). Các trường sẽ thi chung trong hai ngày 15 và 16-7-2008, và được sử dụng chung kết quả để xét tuyển. Bộ GD-ĐT còn cho biết thêm theo lộ trình, từ năm 2009 bộ sẽ tổ chức một kỳ thi chung để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ và THCN. Nếu đúng lộ trình này, năm 2008 sẽ là năm cuối cùng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức.

Một trong những nội dung liên quan trực tiếp đến kết quả làm bài của TS, đồng thời cũng bị nhiều đại biểu phản ứng nhất là cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo Bộ GD-ĐT, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ gồm hai phần: phần chung (bắt buộc) cho tất cả TS và phần riêng (tự chọn) cho TS theo chương trình THPT phân ban thí điểm và TS theo chương trình không phân ban. TS chỉ được chọn một trong hai phần câu hỏi tự chọn để làm bài. TS nào làm cả hai phần câu hỏi tự chọn dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng đều bị coi là bài phạm qui và phải nhận điểm 0 cho môn thi đó.

       Ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, "phát pháo" đầu tiên: "Người ra đề cho rằng đề thi có phần tự chọn và phần bắt buộc, nhưng thực chất tất cả đều là bắt buộc. TS học theo chương trình nào phải làm theo phần của chương trình đó, làm gì có phần nào là tự chọn. Trong kỳ thi vừa qua, mặc dù chúng tôi đã hướng dẫn rất kỹ lưỡng nhưng vẫn có hàng chục nghìn TS nhầm lẫn, làm cả hai phần. Nếu được, Bộ GD-ĐT nên ra hai đề riêng dành cho hai đối tượng TS khác nhau. Nếu làm chưa được thì cũng không thể cho điểm 0 đối với những TS làm nhầm cả hai phần".
       Đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Từ Quang Hiển, giám đốc ĐH Thái Nguyên, đề nghị nếu TS "trót" làm cả hai phần, phải lấy điểm phần nào làm tốt hơn để làm điểm chính thức, bởi khi vào phòng thi TS luôn có tâm lý căng thẳng, rất khó bình tĩnh nhận ra đâu là phần không nên làm. PGS Nguyễn Ngọc Hợi, hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, cho rằng: "Nhầm lẫn trong việc làm cả hai phần được gọi là tự chọn không phải lỗi của TS, cho nên không thể bắt họ phải chịu điểm 0 khắc nghiệt như vậy. Tuy nhiên, nếu chấp nhận việc chấm cả hai phần và lấy điểm của phần làm tốt hơn thì công việc lại đổ lên vai người chấm thi rất lớn, như vậy là không công bằng". TS Nguyễn Đức Hưng, phó giám đốc ĐH Huế, cũng lên tiếng: "Nếu Bộ GD-ĐT vẫn chưa làm được đề thi riêng cho mỗi đối tượng thì phải chấm điểm phần bắt buộc cho TS, không thể bỏ hết cả hai phần. Trường hợp này cho điểm 0 là rất oan ức đối với TS".
       Cuối cùng, tiến sĩ Nguyễn An Ninh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, đã phải chấp nhận đưa ra giải pháp dung hòa. Theo tiến sĩ Ninh, đề thi sẽ không còn phần bắt buộc hay tự chọn nữa, thay vào đó là hai phần chung và riêng. Phần chung dành cho tất cả TS. Đối với phần riêng, TS chỉ làm một trong hai phần. TS nào làm cả hai sẽ không được chấm điểm, giám khảo chỉ chấm điểm phần đề chung của bài làm đó. Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Bành Tiến Long - thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT - khẳng định sẽ áp dụng phương án này trong kỳ tuyển sinh năm nay.
 
Tiếp tục duy trì thanh tra ủy quyền

Các đại biểu trao đổi trong giờ nghỉ giải lao tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2008 

       Bộ GD-ĐT dự kiến tiếp tục đưa cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia những kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Theo đó, sẽ được tổ chức thành các đoàn thanh tra ủy quyền của bộ, làm nòng cốt thanh tra, giám sát các khâu tổ chức thi: in sao đề thi, coi thi, chấm thi và phúc khảo.
       Tuy nhiên, kế hoạch này nhận không ít ý kiến phản đối từ phía các trường ĐH. Ông Nguyễn Việt Bắc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, nhận định: "Thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2007 có sự đóng góp rất lớn từ sức ép của dư luận xã hội, đặc biệt là truyền thông, báo chí. Có rất nhiều trường THPT, nhiều địa phương đã đủ sức tổ chức thi rất tốt, nghiêm túc". Ông Bắc kiến nghị khi đã có những địa phương đủ năng lực tổ chức một kỳ thi nghiêm túc thì không nhất thiết phải tổ chức một cuộc thanh tra ủy quyền toàn quốc như năm 2007 nữa. Bộ GD-ĐT chỉ nên tổ chức thanh tra theo dạng này ở những địa điểm được xác định là trọng yếu.
       Không riêng gì các trường ĐH, ngay cả các sở GD-ĐT cũng lên tiếng. Ông Thái Văn Long - giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau - đặt vấn đề nếu đảm bảo mỗi điểm thi có 25% cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ tham gia công tác tổ chức thi sẽ khiến việc ra quyết định, điều hành khó khăn thêm. Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên cũng thẳng thắn khẳng định: "Thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác điều hành của sở. Lực lượng cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ càng nhiều càng gây tốn kém. Mặt khác, nếu lực lượng tại chỗ do sở điều hành vẫn làm không tốt, không nghiêm túc thì dù có đến 50% thanh tra ủy quyền, kỳ thi vẫn không nghiêm".
       Mặc dù vậy, Bộ GD-ĐT vẫn cương quyết tiếp tục duy trì lực lượng này trong năm 2008. Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, đây là động thái để các trường cùng chia sẻ trách nhiệm của mình đối với việc tuyển chọn những TS có năng lực vào ĐH, CĐ sau này.
Tăng lệ phí tuyển sinh?
       Vấn đề lệ phí tuyển sinh một lần nữa được đại diện các trường đặt ra. Trong kỳ tuyển sinh năm 2007, lệ phí đăng ký dự thi TS phải đóng là 40.000 đồng/hồ sơ. Khi bàn giao cho trường tổ chức thi, các sở GD-ĐT sẽ chuyển 29.500 đồng/hồ sơ. Lệ phí dự thi các môn văn hóa là 20.000 đồng/TS sẽ được TS đóng khi đến dự thi. Trong phương hướng tuyển sinh vừa được đưa ra vẫn chưa thấy sự điều chỉnh.
       Ông Từ Quang Hiển làm phép so sánh cho thấy sự chênh lệch rất lớn trong việc thu lệ phí tuyển sinh so với chi phí mà trường phải chi trả. Trong khi đó, PGS Nguyễn Ngọc Hợi đặt câu hỏi: tại sao đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có chủ trương cho phép thu chung lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí thi? Theo ông, chính việc không thu lệ phí tuyển sinh một lần đã làm nhiều TS nộp cùng lúc nhiều hồ sơ đăng ký dự thi vào nhiều trường khác nhau.
       Trước ý kiến của đại diện nhiều trường, PGS-TS Trần Thị Hà - vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH - chia sẻ: "Chúng tôi biết rằng lệ phí tuyển sinh của chúng ta hiện nay còn rất thấp. Khi thăm một số cơ sở đào tạo lái xe, chúng tôi nhận thấy lệ phí thi lái xe cao hơn nhiều so với lệ phí tuyển sinh". PGS Hà cho biết Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để có phương án tăng lệ phí tuyển sinh, gồm lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí thi, sẽ ra qui định thu cả hai loại lệ phí này cùng lúc.
       Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS Bành Tiến Long cũng nói lệ phí tuyển sinh sẽ điều chỉnh theo hướng tăng lên để đảm bảo các trường chi cho công tác tổ chức thi. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu, các bộ phận phải tính chi tiết để đảm bảo không quá cao đối với TS.  
tt

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        33,125,855       362/1,467