Bài 2. Vai trò tiên phong của các trường đại học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Ngành công nghiệp chip bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế hiện đại. Chíp bán dẫn được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử, từ điện thoại di động, máy tính, máy ảnh, đến các thiết bị y tế và xe tự động. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, nhu cầu về chip bán dẫn ngày càng tăng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và xe tự hành.
Cơn khát nguồn nhân lực ngành chip bán dẫn
Số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Đồng Nai là một trong những địa phương có triển vọng trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng từ chính quyền tỉnh, nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đặt vấn đề đầu tư vào lĩnh vực này tại Đồng Nai. Tuy nhiên, nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này tại Đồng Nai còn rất khan hiếm.
Đào tạo nhân lực ngành chip bán dẫn tại Đồng Nai không chỉ tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động trong tỉnh, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghệ của địa phương theo hướng thông minh, bền vững. Các trường đại học trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp này, đồng thời định hướng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chip bán dẫn cho địa phương và trên toàn quốc.
Vai trò tiên phong của trường đại học trên địa bàn tỉnh
PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) nhận định: Các trường đại học phải là đơn vị chủ động nắm bắt xu thế và đi trước một bước trong cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành chip bán dẫn, trước hết là chương trình đào tạo, nguồn cán bộ giảng viên cho lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, các trường rất cần sự tham gia sâu của doanh nghiệp vào công tác đào tạo và sự đồng hành của chính quyền địa phương. "Những năm qua, LHU luôn chủ động ngỏ lời, hợp tác với các doanh nghiệp nhằm chuyển giao và nhận chuyển giao về nhân lực và công nghệ. Vì vậy, khi nhu cầu về đào tạo nhân lực lĩnh vục vi mạch được đặt ra thì LHU đã có đủ các điều kiện cần thiết cho việc mở ngành đào tạo này” – Thầy Quỳnh thông tin.
Để đảm bảo tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, xu hướng của các trường đại học trên địa bàn tỉnh là tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành chip bán dẫn. Trong đó, Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) là cơ sở đào tạo có nhiều ưu thế hơn cả về nguồn lực như: Chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, mạng lưới đối tác trong và ngoài nước,…. Vì vậy, LHU này đã được chính quyền tỉnh Đồng Nai tin tưởng giao nhiệm vụ thành lập và vận hành Trung tâm vi mạch bán dẫn.
“Điều may mắn là chúng tôi không “đi một mình”, LHU nhận được sự quan tâm từ chính quyền tỉnh, cũng như sự cam kết đồng hành của Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế (Sun Edu) và Tập đoàn Synopsys (Hoa Kỳ). Hai doanh nghiệp này không chỉ tham gia xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, tư vấn cho LHU trong xây dựng Trung tâm vi mạch bán dẫn, Phòng Lab vi mạch mà còn hỗ trợ đào tạo giảng viên chuyên sâu cho LHU về lĩnh vực này. Từ tháng 4.2024, giảng viên của LHU sẽ tham gia các khoá đào tạo do các doanh nghiệp này tổ chức” - Thầy Vũ Quỳnh tiết lộ.
Trung tâm vi mạch bán dẫn của LHU sẽ đảm nhận vai trò là đầu mối để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ lĩnh vực vi mạch bán dẫn, thực hiện chuyển giao công nghệ từ các nước và vùng lãnh thổ tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Mỹ... phục vụ đào tạo và cung cấp cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai.
Chúng tôi đang cập nhật chương trình học theo xu hướng công nghệ mới nhất và đảm bảo rằng sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu. Đồng thời, LHU tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn, giúp các em nắm bắt được các xu hướng và tiến bộ trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, chúng tôi đã và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. LHU mở rộng đến việc phát triển các chương trình hợp tác với các trường nước ngoài và doanh nghiệp quốc tế, chẳng hạn như các trường ĐH lớn của Đài Loan, Hoa Kỳ. Điều này giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức và công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của môi trường làm việc quốc tế” - Thầy Quỳnh cho biết thêm.
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ:
Bài 1. Ba trụ cột trong đào tạo nhân lực lĩnh vực chíp bán dẫn tại Đồng Nai
Chip bán dẫn; LHU; Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế (Sun Edu); Tập đoàn Synopsys