Tiêu điểm

Chuyển đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai và những vấn đề đặt ra

Là một tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh, Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, giảm phát thải và phát triển kinh tế xanh là chìa khóa để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Đồng Nai và hướng tới phát triển bền vững.

Để tìm ra những giải pháp, kinh nghiệm trong hoạt động chuyển đổi số, ngày 2/7/2024, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai”.

Nhiều kế sách khả thi cho phát triển ngành công nghiệp Đồng Nai theo hướng xanh, sạch và bền vững

Tại Hội thảo, nhiều ý tưởng đã được thảo luận, xoay quan các vấn đề về chuyển dổi công nghệ, như: Định hướng phát triển công nghiệp trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Giải pháp chuyển đổi công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Kinh nghiệm thực tiễn cho việc chuyển đổi số trong kinh tế xanh và phát triển bền vững tại tỉnh Đồng Nai; Phát triển Khu công nghiệp theo mô hình sinh thái - Định hướng phát triển bền vững….

Báo cáo tham luận tại Hội thảo, nhóm tác giả Nguyễn Vũ Quỳnh, Nguyễn Ngọc Lâm (Đơn vị: Việt Nam) đã chỉ ra những vấn đề lớn cần được giải quyết để phát triển ngành công nghiệp Đồng Nai theo hướng xanh, sạch, bền vững. Đồng Thời,nhóm tác giải cũng khuyến nghị những giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp Đồng Nai theo hướng xanh, sạch và bền vững. Các giải pháp được nhấn mạnh gồm: Tận dụng, khai thác phù hợp các thành tố của cách mạng công nghiệp 3.0 và cách mạng công nghiệp  4.0 trong phát triển sản xuất công nghiệp bền vững; Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số; Phát triển mô hình khu công nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm CNC và sản phẩm hỗ trợ CNC, khu công nghiệp sinh thái;  Phát triển kinh tế tuần hoàn và Triển khai các giải pháp mang tính xã hội.

Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Lĩnh tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo

PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) đánh giá: Đồng Nai là một tỉnh có các ngành công nghiệp phát triển mạnh, vì vậy các phế thải công nghiệp là rất lớn. Tỉnh cần đầu tư cho các nghiên cứu để xây dựng công nghệ và khai tác nguyên liệu từ các phế thải này.

“Tỉnh Đồng Nai cần khẩn trương đẩy mạnh công nghệ xử lý rác thải, theo kế hoạch của dự án đã đưa ra: Tỉnh sẽ chấm dứt chôn lấp chất thải rắn trực tiếp vào năm 2030. 100% rác thải trên địa bàn Tỉnh sẽ được phân loại xử lý. Đây là 1 cố gắng rất lớn vì thời gian chỉ còn 5,5 năm”.

Nhiều kế sách được thảo luận và tán thành, hướng đến xây dựng và phát triển kinh tế bền vững tại Đồng Nai

Nói về các trụ cột trong chuyển đổi số, thầy Quỳnh cho hay: CMCN 4.0 với hỗ trợ công nghệ Internet sẽ thúc đẩy thu thập dữ liệu, đẩy mạnh quản lý, điều hành sản xuất, và đặc biệt là khâu xử lý dữ liệu, đưa ra những quyết định thông minh, tối ưu cho sản sản xuất. Triển khai từng bước chuyển đổi số trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0, tiến tới xây dựng thành phố thông minh, nhà máy và trang trại,… thông minh. Chuyến đổi số ở nước ta dựa trên 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số và xã hội số”.

Đề nghị lựa chọn tiêu chí cốt lõi tác động lớn giúp Đồng Nai chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sạch, bền vững. Nhóm tác giả nhấn mạnh tập trung làm tốt các nhiệm vụ: Chuyển đổi công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến hướng đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng, Giảm thiểu ô nhiễm, Tự động hóa và số hóa quy trình sản xuất và quản lý. Có lộ trình chuyển đổi công nghệ toàn diện. Áp dụng các giải pháp sản xuất thông mình. Phát triển và ứng dụng năng lượng và vật liệu xanh; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng theo hướng phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế ,... nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính; và gia tăng sự liên kết ngành với các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, có tính lan tỏa công nghệ, tạo chuỗi sản xuất sản phẩm, góp phần sản xuất bền vững.

Giải pháp nào cũng từ con người và vì con người

Đây là giải pháp mang tính cơ bản và lâu dài, nhằm huy động sự ào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân. “Cần nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Khuyến khích người dân tham gia giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường” – Phó Hiệu trưởng LHU khuyến nghị.

Ngoài ra, cũng tại Hội thảo này, hai tác giả của LHU đã giới thiệu một số giải pháp mà Trường Đại học Lạc Hồng hiện đang thực hiện, nhằm tham gia tích cực trong việc nghiên cứu và phát triển công nghiệp xanh, sạch và bền vững tại tỉnh Đồng Nai, gồm: Thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu và các khóa học về công nghệ môi trường, nhằm đang trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để họ có thể đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của địa phương; Tích cực thực hiện các dự án nghiên cứu nhằm tìm kiếm và phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đại học Lạc Hồng cũng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để chuyển giao công nghệ và tư vấn các giải pháp sản xuất sạch, thân thiện với môi trường; Tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn và các hoạt động ngoại khóa để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của công nghiệp xanh; Triển khai việc thực hành các biện pháp bảo vệ môi trường ngay tại khuôn viên trường, tạo nên một mô hình mẫu về thực hành bền vững, với các hoạt động như tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả đã được triển khai, được sinh viên và giảng viên hưởng ứng tích cực.  Những hoạt đó vừa đóng góp trực tiếp vào sự phát triển bền vững của tỉnh, vừa tạo ra ảnh hưởng tích cực, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và phát triển công nghiệp xanh trong toàn bộ cộng đồng.

Toàn cảnh Hội thảo "Thực trạng và giải pháp chuyển đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai”.

“Trường Đại học Lạc Hồng mong muốn trở thành một đối tác quan trọng và đáng tin cậy trong việc thúc đẩy công nghiệp xanh, sạch và bền vững tại Đồng Nai. Chúng tôi hy vọng lãnh đạo chính quyền các cấp, lãnh đạo các doanh nghiệp và nhân dân cần cùng đóng lòng, hiệp lực, chấp nhận bỏ qua những lợi ích kinh tế trước mắt vì một tương lai bền vững cho thế hệ con em chúng ta” – Phó Hiệu trưởng LHU nhắn nhủ.

Ra Khơi

Chuyển đổi công nghệ; LHU; Kinh tế xanh; Phát triển bền vững; Công nghiệp xanh


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        22,457,713       7/663