Tuyển sinh Đại học

"Bỏ túi" bí kíp luyện đề thi đại học môn Hóa năm 2020

Không phải một môn thi nặng về tính toán song Hóa học lại có thể khiến nhiều sĩ tử “hết hồn” với khối lượng kiến thức cực rộng. Ngoài chăm chỉ ôn tập bài cũ, việc chuẩn bị sẵn cho bản thân một chiến thuật làm bài thông minh sẽ giúp bạn chủ động và tự tin hơn bước vào kỳ thi đầy áp lực. Bởi vậy, các thí sinh 2k2 hãy bỏ túi ngay 4 “tuyệt chiêu” dưới đây để áp dụng trong quá trình luyện đề thi đại học môn Hóa.

1. Đọc kỹ đề bài trước khi làm

Đọc kỹ đề sẽ giúp thí sinh tránh được những sai lầm đáng tiếc

Hãy biến đọc kỹ đề bài thành một thói quen ngay từ quá trình luyện đề thi đại học môn Hóa. Đọc kỹ ở đây không đơn thuần là đọc hết từng câu chữ mà còn bao hàm cả việc bao quát nội dung câu hỏi. Trước hết, thí sinh cần lướt qua toàn bộ đề thi để đánh giá được cách phân bố và mức độ phức tạp. Điều này sẽ giúp bạn áp dụng hiệu quả hơn “tuyệt chiêu” thứ 2. Tiếp đó, trước mỗi câu hỏi, đừng quên rà soát kỹ số liệu và các dữ kiện quan trọng như điều kiện nhiệt độ, độ đặc - loãng, dư thừa... Chúng chắc chắn là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác của kết quả.

2. Phân bổ thời gian làm bài hợp lý

Như đã đề cập ở trên, sau khi đọc lướt để bao quát nội dung đề thi, thí sinh sẽ cần áp dụng thêm một “tuyệt chiêu” khác để tăng hiệu quả làm bài. Đó chính là phân bổ thời gian. 40 câu hỏi sẽ có mức độ khó - dễ khác nhau, song mức điểm cho từng câu là tương đồng. Như vậy, bạn cần “ăn chắc” điểm từ những ý đơn giản trước. Nếu ngay lập tức đốt thời gian vào các nội dung hóc búa, thí sinh có thể lãng phí nhiều cơ hội ghi điểm.

Thí sinh sẽ tự tin và chủ động hơn khi biết cách phân bổ thời gian làm bài hợp lý

Nguyên tắc này tuy đơn giản nhưng không hề dễ áp dụng, bởi tâm lý người làm bài thường bị cuốn theo trình tự câu hỏi. Ở một số thí sinh, việc nhảy cóc qua các câu hỏi thậm chí còn gây ra trạng thái mất bình tĩnh. Vậy bạn cần làm gì để vượt qua cảm giác không mấy dễ chịu đó? Câu trả lời là hãy luyện tập nhiều hơn. Bạn nên áp dụng nguyên tắc “dễ trước, khó sau” ngay vào quá trình luyện đề thi đại học môn Hóa. Với những câu chưa thể tìm ra đáp án, thí sinh nên đánh dấu số thứ tự ra giấy nháp. Cách làm này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng rối loạn, nhầm lẫn.

3. Phương pháp loại trừ đáp án sai

Việc loại trừ đòi hỏi cả khả năng phán đoán và tư duy logic

Nghe có vẻ thiếu căn cứ nhưng trên thực tế, loại trừ lại chính là “tuyệt chiêu” khoa học nhất đối với bài thi trắc nghiệm. Nó đòi hỏi ở thí sinh khả năng phán đoán dựa trên thông tin có sẵn và tư duy logic. Ngoài ra, bạn cần ghi nhớ một nguyên tắc quan trọng, đó là không bao giờ chọn 1 đáp án khi chưa loại được tối thiểu 2 đáp án. Tất nhiên, muốn thành thục và “chuyên nghiệp” trong việc sử dụng phương pháp này, thí sinh sẽ phải tích lũy kinh nghiệm từ quá trình luyện đề thi đại học môn Hóa.

4. Không bỏ sót bất cứ câu hỏi nào

Hãy chắc chắn bản thân đã xử lý mọi câu hỏi trước khi nộp bài

Nếu thời gian đã cạn nhưng vẫn còn một số câu bạn chưa biết đáp án hoặc cảm thấy không chắc chắn, bạn sẽ làm gì? Hãy hoàn thành bài thi với tinh thần “thà tô nhầm còn hơn bỏ sót”, bởi thí sinh hoàn toàn không bị trừ điểm nếu trả lời sai. Chỉ cần chọn 1 đáp án, bạn đã có trong tay ít nhất 25% cơ hội đúng. Được ăn cả, ngã… chẳng mất gì, còn điều gì khiến bạn chần chừ trong giờ phút “nước sôi lửa bỏng” nhỉ?

Trên đây là những bí kíp quan trọng mà thí sinh nên áp dụng ngay từ quá trình luyện đề thi đại học môn Hóa . Hy vọng những thông tin này sẽ giúp các bạn học sinh 2k2 có kế hoạch ôn luyện hiệu quả. Để đăng ký xét tuyển vào Đại học Lạc Hồng, bạn vui lòng truy cập: https://lhu.fun/EAE495.

Phạm Trung Hiếu

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,676,866       2/249