Kỳ 3: Khi trường đại học là nơi ươm mầm cho ý tưởng khởi nghiệp
Trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường đại học là một trong những trụ cột quan trọng, là “mảnh đất” đầu tiên để ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên.
Lợi thế của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Theo quan niệm truyền thống, trường đại học thường được biết đến với sứ mệnh đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực. Ngày nay, các trường đại học còn là nơi khởi đầu, ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp của người học. Điều này bắt nguồn từ lợi thế của các trường đại học về chương trình đào tạo, nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu. Theo đó, các trường đại học mạnh với hệ thống nghiên cứu và giáo dục có khả năng học hỏi, tiếp thu và phát triển tri thức mới được áp dụng và cung cấp nguồn nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các trường đại học như một cầu nối để tiếp nhận tri thức, hấp thu và truyền thụ lại tri thức đó. Khi hoạt động đổi mới sáng tạo ngày càng phổ biến và lan rộng thì các nguồn tri thức ngày càng được phổ biến rộng rãi, các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và tạo ra tri thức mới khi họ tham gia vào cộng đồng và mạng lưới tri thức toàn cầu thông qua các hội nghị, hội thảo hay thông qua các hợp tác nghiên cứu, đồng xuất bản, đồng sáng chế, …
Từng tham gia với vai trò Mentor và Ban giám khảo nhiều cuộc thi Khởi nghiệp (Quốc gia, khu vực), TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa, Khoa Quản trị Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) đánh giá cao vai trò “vườn ươm” của các trường đại học đối với các ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên. Theo TS Tân, các trường đại học có lợi thế khi tập trung được một đội ngũ nhân sự chất lượng cao, họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy mà còn là mentor định hướng cho người học về khởi nghiệp. Giảng viên đóng vai trò là những người truyền cảm hứng, cung cấp thông tin, giới thiệu những thành công, điển hình, kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển đội nhóm thông qua thúc đẩy hợp tác liên ngành trong sinh viên”.
“Hiện nay, Đồng Nai đã xây dựng được một hệ sinh thái về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các bên liên quan đã chủ động vào cuộc, tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên khi có ý định khởi nghiệp” - Vị Trưởng khoa, Khoa Quản trị Kinh tế Quốc tế (LHU) cho biết.
Để trường đại học trở thành vườn ươm
Hiện nay, các chính sách của tỉnh Đồng Nai về khởi nghiệp trong sinh viên các trường đại học đã quá rõ ràng, đầy đủ cả về cơ sở lý luận, nội dung triển khai và các bước tổ chức hoạt động khởi nghiệp. Các trường đại học, các bên cũng chủ động tham gia xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo ra những bước đệm để hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Tuy vậy, để thực sự là một vườm ươm đúng nghĩa về khởi nghiệp, việc xây dựng, thử nghiệm các mô hình như câu lạc bộ về khởi nghiệp, các khoá học về khởi nghiệp,… là hết sức cần thiết, có ý nghĩa về mặt thực tế.
So với nhiều nơi, các trường đại học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thành lập các mô hình hỗ trợ sinh viên về khởi nghiệp như câu lạc bộ khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp,… Đây là những không gian vật chất quan trọng để ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên. Đơn cử như Trường Đại học Lạc Hồng, từ năm 2016 đã thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp để giúp sinh viên có cơ hội hoạt động và sân chơi về khởi nghiệp. Đến nay, tại mỗi khoa đều có câu lạc bộ khởi nghiệp, được dẫn dắt bởi các giảng viên có kinh nghiệm. Nhà trường cũng đầu tư Không gian làm việc chung (Coworking Space) từ năm 2018 để giúp sinh viên khởi nghiệp có nơi làm việc, gặp gỡ, trao đổi, hợp tác. Các cuộc thi khởi nghiệp với quy mô khác nhau cũng được tổ chức, tạo cơ hội cho sinh viên khởi nghiệp thể hiện bản thân, tìm kiếm nguồn tài trợ, hợp tác.
Từ tháng 8/2023 đã hình thành được Trung tâm Học sinh - Sinh viên sáng tạo (SIV tại Đồng Nai), cung cấp các dịch vụ chuyên sâu, giúp sinh viên và học sinh khởi nghiệp tự tin bước vào con đường kinh doanh. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng (IPP, ACSE, CEFE, SIYB, MEP) cũng cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp thành công.
Ở góc độ chuyên gia, ThS Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn nhìn nhận: Đồng Nai đã hình thành được hệ sinh thái về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Các trường Đại học tại Đồng Nai cần xem đổi mới sáng tạo là hướng đi chiến lược để phát triển thành trường đại học khởi nghiệp, xây dựng, phát triển văn hóa khởi nghiệp, thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, thúc đẩy chất lượng nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, gia tăng quá trình kết nối với doanh nghiệp và tạo điệu kiện tốt nhất cho các tài năng phát triển”.
Những năm gần đây, vườn ươm khởi nghiệp trong các trường đại học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã trở thành một bộ phận của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương này, đóng vai trò thúc đẩy và ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Đây là mô hình hỗ trợ tương đối toàn diện cho sinh viên, cung cấp các dịch vụ dùng chung, đào tạo, hỗ trợ tài chính, tư vấn và hỗ trợ kêu gọi đầu tư.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Vườn ươm khởi nghiệp; Đại học khởi nghiệp; Văn hoá khởi nghiệp; LHU;