Tin tức

Sản xuất trà dược liệu từ lá lốt và lá nhàu - Giải pháp sản xuất dược liệu từ nông sản sẵn có của Việt Nam

Nhận thấy nguồn nguyên dược liệu của Việt Nam phục vụ cho hoạt động sản xuất thực phẩm chức năng, dược phẩm, nước giải khát là khá phong phú, nhiều giải pháp nghiên cứu khoa học nhằm phát huy vai trò của những loại dược liệu này, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân đã được Khoa Kỹ thuật hóa học và Môi trường (Trường Đại học Lạc Hồng) thực hiện.

TS. Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long, trưởng nhóm nghiên cứu quy trình sản xuất trà túi lọc dược liệu từ lá lốt và lá nhàu cho biết, hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người mắc bệnh xương khớp cao. Nguyên nhân chủ yếu do tuổi già, dinh dưỡng không cân đối và phù hợp, béo phì, sử dụng nhiều rượu bia, người mắc các bệnh viêm nhiễm khớp… Bệnh xương khớp xuất hiện ở mọi lứa tuổi, vì vậy, sử dụng dược phẩm nào để điều trị và hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh xương khớp đang trở thành vấn đề quan tâm của nhiều người.

Hình 1: Cây lá lốt và cây nhàu nguồn dược liệu quí và phổ biến ở Việt Nam. 
Lá lốt và lá nhàu là những loại rau, thảo dược phổ biến đối với người dân Việt Nam. Hai loại lá cây này không chỉ được sử dụng chế biến các món ăn hấp dẫn mà trong y dược, nó còn được dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp hiệu quả bằng cách phơi khô làm trà uống, nấu lấy dịch đắp trực tiếp vào các vùng có vấn đề xương khớp… Các sản phẩm từ hai loại lá cây này ngày càng được khai thác đa dạng và phổ biến. Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam hiện nay chưa có sản phẩm trà túi lọc từ lá lốt và lá nhàu. Với mục đích tận dụng nguồn nguyên dược liệu phổ biến, và những ưu thế của hai loại lá nhàu, lá lốt trong điều trị bệnh xương khớp, nhóm giảng viên của Khoa Kỹ thuật hóa học và Môi trường đã quyết định nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất “Trà thảo dược túi lọc lá lốt và lá nhàu” nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân. Dựa trên tập quán thích sử dụng trà khô của người dân Việt Nam, mục tiêu của nhóm nghiên cứu hướng đến là tạo ra loại trà thảo dược kết hợp cả hai loại lá trên để hỗ trợ, điều trị cho những người mắc bệnh xương khớp. Bên cạnh đó, với sự tiện dụng bằng hình thức túi lọc, nhóm tác giả tin rằng, đây sẽ là sản phẩm mới được người dùng ưa chuộng và có có thể phát triển sản xuất với quy mô công nghiệp, TS. Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long khẳng định.
Hình 2: Nhóm tác giả trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo khoa học quốc tế VBFoodNet 2017 - Safety and Quality in the Food Chain 
Lá lốt và lá nhàu sau khi thu gom sẽ được đưa vào công đoạn xử lý nguyên liệu đầu vào nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó là công đoạn sấy khô, chế biến tạo thành phẩm bột trà, đóng gói. Tính mới của nghiên cứu này đó là kết quả khảo sát thị trường trong và ngoài nước của nhóm tác giả cho thấy, sản phẩm chưa có trên thị trường. Sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu thiên nhiên 100%, không chứa chất độc hại, không sử dụng chất bảo quản, màu sắc vàng dịu, hương thơm đặc trưng từ lá lốt và lá nhàu. Sản phẩm được thiết kế đóng gói trong bao bì nhỏ gọn, thuận tiện cho người dùng sử dụng. Mặc dù sản xuất thành phẩm là trà túi lọc nhưng tất cả công dụng của các loại lá này trong ngăn ngừa, hỗ trợ trị bệnh xương khớp vẫn được phát huy một cách tối ưu nhất.
Hình 3: Sản phẩm Trà túi lọc làm từ lá lốt và lá nhàu của nhóm nghiên cứu
Nếu được khai thác và phát triển hợp lý, đây là một trong những giải pháp vừa tận dụng nguồn nguyên dược liệu quý của Việt Nam, vừa giúp nông dân có thêm hướng phát triển kinh tế; đồng thời cung cấp thêm sản phẩm chất lượng cho người dùng trong phòng ngừa, điều trị bệnh xương khớp.
Theo Quốc Minh
Trích từ "Giải pháp sản xuất dược liệu từ nông sản sẵn có của Việt Nam" - Cổng thông tin điện tử KHCN Đồng Nai
(https://dost-dongnai.gov.vn/Pages/noi-dung-tin.aspx?NewsID=2536&TopicID=9)
Khoa Khoa học và Công nghệ thực phẩm

nghiên cứu, lá lốt, lá nhàu, khoa học


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        3,388,080       1/459