Tin tức

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020)

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù (còn gọi là Làng Chùa),xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan.

Từ lúc sinh ra đến 5 tuổi, Nguyễn Sinh Cung sống trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của gia đình, đặc biệt là ông bà ngoại. Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo gia đình vào sống ở Huế. Đầu năm 1901, sau khi thân mẫu qua đời, Nguyễn Sinh Cung lại theo cha trở về Nghệ An, rồi lấy tên là Nguyễn Tất Thành, tích cực học chữ Hán và còn theo cha đi một số nơi, học thêm nhiều điều. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành lại theo cha vào Huế, thoạt đầu học trường Pháp - Việt, sau học trường Quốc học Huế. Khoảng cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, tháng 8/1910 vào Phan Thiết, làm giáo viên trường Dục Thanh. Tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Ngày 5/6/1911 với tên gọi mới là Văn Ba, lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mácxây (Pháp).

Bến Nhà Rồng nơi Người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

Người thanh niên Nguyễn Tất Thành với hành trang là chủ nghĩa yêu nước – nhân văn Việt Nam và khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc. Trải qua hơn 30 năm bôn ba khắp năm châu để tìm đường cứu nước, người vừa lao động vừa học tập, nghiên cứu lý luận và nhất là qua thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú ở nhiều nước.

Người đã thấy vấn đề giải phóng dân tộc và con người là nhu cầu cấp thiết không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các dân tộc thuộc địa và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, bằng trí tuệ thiên tài, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại mới mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã đi tới khẳng định : "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam bế tắc về đường lối và tổ chức lãnh đạo, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cách mạng vô sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước đồng bào quốc dân và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 

Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của ta đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng xây dựng đường lối “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, lãnh đạo nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước, khí phách anh hùng, đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, ánh sáng chân lý của thời đại, tấm lòng của Người luôn hướng về nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng, cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường, trong sáng, suốt đời chiến đấu cho hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc và tiến bộ xã hội.

Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai, Công tác đoàn và phong trào sinh viên của Đoàn trường ĐH Lạc Hồng trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đoàn trường không ngừng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục lịch sử của đất nước, truyền thống của dân tộc, của Đảng, triển khai học 6 bài lý luận chính trị của Đoàn, Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước và nâng cao tính tự nguyện, tự giác của đông đảo sinh viên trong việc tham gia các hoạt động; Ngoài ra, đoàn trường đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Tuổi trẻ Trường Đại học Lạc Hồng học tập và làm theo lời Bác", tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng từ nhận thức chuyển sang hành động của sinh viên trong việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Với các hoạt động như tổ chức cho đoàn viên viết nhật ký “Làm theo lời Bác”, chiếu phim tư liệu về các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, viết bài thu hoạch, tổ chức cuộc thi viết “Sinh viên với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thông qua các hoạt động trên đã góp phần giáo dục cho Đoàn viên, sinh viên nắm vững giá trị to lớn về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời định hướng cho sinh viên tích cực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, sống có lý tưởng, hoài bão, vượt khó vươn lên trong học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Hiến máu tình nguyện vì cộng đồng

 

Đảng ủy

130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        5,685,474       4/641