Tiêu điểm

Y tế học đường: phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa

Mùa mưa đã bắt đầu kéo dài trong nhiều ngày qua. Đây cũng chính là thời gian báo động sự lan truyền của dịch sốt xuất huyết. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang tiếp tục bùng phát ở các khu vực đông dân cư… Địa bàn phường Bửu Long nói riêng, các phường xã nội ô thành phố Biên Hòa nói chung là nơi cư trú và tập trung rất đông sinh viên của nhà trường. Tuy nhiên có không ít khu vực sinh viên ở trong điều kiện ẩm thấp, cây cối rậm rạp và vệ sinh chưa đạt yêu cầu. Khi mùa mưa bắt đầu, đây chính là môi trường thuận lợi để mầm bệnh sốt xuất huyết bùng phát, do đó cần có biện pháp để các bạn sinh viên phòng tránh.

Chúng ta biết gì về bệnh sốt xuất huyết ?

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue, muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh, đây là loại muỗi sống ở những nơi bùn lầy nước đọng xung quanh nhà, hoặc các nơi ẩm thấp tối tăm trong nhà.
Biểu hiện của bệnh là xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch, dễ đưa đến tử vong nếu điều trị không kịp thời và không đúng mức.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết muỗi vằn ở những đặc điểm sau: Đó là loài côn trùng có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, chúng thường sống ở những góc tối, ẩm thấp trong nhà, như gầm bàn, gầm giường, hóc tủ, quần áo…

Sốt xuất huyết là bệnh cực kỳ nguy hiểm, bệnh xuất hiện quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa có thể bộc phát thành dịch đe dọa sinh mạng của mỗi người. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Sốt xuất huyết ở người lớn thường có hai biểu hiện: sốt và xuất huyết, người lớn xuất huyết nhiều hơn sốc. Thời gian sốt kéo dài từ 7 - 10 ngày và phát biến chứng (nếu có) vào ngày thứ 4 hay thứ 5. Ở người lớn, hầu hết sốt xuất huyết đều kèm theo sốt, lạnh run, nhức đầu, trong đó cao nhất là bị sốt với tỉ lệ trên 90% trường hợp… Ngoài ra, sốt xuất huyết người lớn còn có các triệu chứng tiêu hóa rất nổi bật như ói mửa, tiêu chảy, đau bụng. Đặc biệt, có những dấu hiệu lâm sàng trước nay ít thấy như: viêm cơ tim, tiểu ra máu, tăng men gan…

Nhiều trường hợp nhập viện bị xuất huyết tiêu hóa nặng, dù đã được truyền máu khẩn cấp với số lượng lớn nhưng nguy cơ tử vong vẫn rất cao. Trường hợp xuất huyết não, đến khi bệnh phát nặng, tay tê liệt, hôn mê… thì rất khó điều trị. Cần lưu ý, ở nữ giới, xuất huyết âm đạo không trùng với chu kỳ kinh nguyệt điều này khiến nhiều người nhầm tưởng mắc bệnh phụ khoa. Sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất chính là lúc huyết áp bị tụt gây biến chứng như xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ra phân đen), suy gan, đông máu. Do đó, nguy cơ tử vong ở người lớn cũng cao hơn trẻ em.

Từ những thông tin mà bộ phận y tế của nhà trường vừa chia sẻ ở trên thì đây cũng chính là lời khuyến cáo đến toàn thể sinh viên nhà trường. Hòa mình trong điều kiện sống và học tập xa nhà, tự bản thân mỗi chúng ta phải nâng cao ý thức trong việc tự chăm sóc và gìn giữ sức khỏe cho chính bản thân mình. Bên cạnh việc thường xuyên liên hệ với bộ phận y tế của nhà trường để có hướng dẫn, tư vấn và ngăn chặn để bảo vệ sức khỏe kịp thời.

Khi có biểu hiện của sốt, sinh viên có thể liên hệ với bộ phận y tế của nhà trường, hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị. Các bạn không nên tự ý uống thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sỹ, không nên tự ý điều trị bằng phương pháp cắt, lể, đắp hay xông thuốc khác… Nên ăn thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước mát và trái cây. Nếu sốt cao kéo dài thì phải đến bệnh viện để kiểm tra, thử máu để xác định bệnh, nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra sẽ rất khó điều trị.

Để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra, theo phương châm của bộ phận y tế nhà trường là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trong đời sống hàng ngày sinh viên phải có ý thức giữ vệ sinh môi trường, nhà ở gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp, lu nước có nắp đậy, úp các chậu, mảnh vỡ xung quanh khu vực trọ không để nước đọng, khai thông cống rãnh, không có nơi muỗi đẻ trứng, diệt mầm sống của lăng quăng, phát hoang bụi rậm, thay nước các bình hoa, quần áo cất vào tủ không treo bừa bãi. Ngủ cần mắc màn (mùng) kể cả ban ngày, mặc áo dài tay, quần dài khi sáng sớm và chiều tối. Dùng thuốc xịt muỗi hoặc nhang muỗi.

       Nhằm xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện và tốt nhất cho sinh viên, phòng Công tác Sinh viên phối hợp với các đơn vị trong nhà trường thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng chống các loại bệnh thường gặp trong học đường; phân công cán bộ y tế trực tại các cơ sở nhằm chăm sóc, hỗ trợ kịp thời cho các bạn; phân công cán bộ theo dõi tình hình vệ sinh các cơ sở và đảm bảo vệ sinh khu vực học tập đã thúc đẩy công tác y tế học đường của nhà trường đã và đang hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên.

Nếu có thắc mắc, muốn được tư vấn các vấn đề liên quan đến y tế, các bạn có thể liên hệ về tổ y tế nhà trường qua số điện thoại của thầy Nguyễn Hồng Quý - 0912.518.180 hoặc cô Phạm Thị Ngoan - 0909.139.193.

P.Công tác sinh viên

sốt xuất huyết, y tế


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        31,284,813       1/740