Tiêu điểm

Sáng tạo khoa học - hành trình và dấu ấn

Năm 2010 Trường đại học Lạc Hồng bắt đầu có công trình tham gia xét giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec). Chính trong lần đầu tiên này trường đã có công trình đạt giải. Đây là thành công mở đầu cho loạt các thành công tiếp theo của trường tại cuộc thi khoa học công nghệ  lớn nhất Việt Nam này.

Giải thưởng sáng tạo Công nghệ

(Từ trái sang) ThS.Phạm Văn Toản, TS.Nguyễn Vũ Quỳnh và Ngô Thanh Bình

tại Lễ trao giải hội thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2014

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, kiêm Trưởng khoa Cơ điện-Điện tử, cho biết các đề tài được trao giải Vifotec đều được hội đồng giám khảo là các nhà khoa học có uy tín đánh giá rất kỹ về khoa học lí thuyết và tính ứng dụng thực tiễn. Những tác giả đoạt giải đều thực sự là những tài năng khoa học công nghệ.

Điểm danh giải thưởng

Năm 2010, sinh viên Mai Duy Đạt (Khóa 06 – Khoa Cơ điện, nay là Khoa Cơ điện Điện tử) là người đầu tiên đại diện cho Trường đại học Lạc Hồng mang công trình khoa học tới “xông đất” giải thưởng Vifotec. Lần đó, công trình “Thiết kế và thi công máy đo lực Torque WH-PP” đã đoạt giải Khuyến khích. Khởi đầu như thế được cho là thành công lớn, một lời “chào hàng” ấn tượng về trình độ nghiên cứu khoa học của sinh viên trường với Vifotec.

Cuối năm đó, công trình của anh Đạt còn chinh phục cả hội đồng giám khảo quốc tế tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Malaysia năm 2010. Kết quả là một giải bạc quý giá. Anh Đạt hiện công tác tại Phòng Đào tạo của trường, chia sẻ “Công trình mà tôi đoạt giải Vifotec và giải quốc tế tại Malaysia năm 2010 được tạo lên bởi nền tảng kiến thức vững chắc của các giảng viên tâm huyết. Trong đó có cả điều kiện thực hành đầy đủ tại trường”.

Mai Duy Đạt

Mai Duy Đạt nhận huy chương và giấy khen lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

Trong hai năm (2011 và 2012) Trường đại học Lạc Hồng tiếp tục vinh dự xuất hiện trong danh sách các đơn vị đoạt giải tại Vifotec. Đây là 2 giải khuyến khích của 2 tác giải Trần Văn Lăng và Trần Phú Cường. Trong đó giải khuyến khích Xây dựng hệ thống phủ nhúng dùng trong phương pháp sol-gel” của tác giả Trần Phú Cường được đánh giá cao về tính ứng dụng. Việc 3 năm liên tiếp đoạt giải Vifotec khiến hội đồng giám khảo giải thưởng này “nhớ” nhiều hơn về cái tên “Trường đại học Lạc Hồng”.

Nghiệm thu công trình Khoa học

Chuyên gia Nhật Bản tại công ty Nectokin nghiệm thu công trình chuyển giao công nghệ của LHU

Thạc sĩ Phạm Văn Toản là người mang giải Nhì Vifotec đầu tiên về cho Trường đại học Lạc Hồng ở năm 2013. Công trình có tên “Hệ thống tự động lắp ráp cuộn cảm thay thế công đoạn thủ công”. Trước khi đoạt giải Vifotec, công trình của thạc sĩ Toản đã được ứng dụng thực tế tại Công ty Nec/Tokin Việt Nam. Đây là một doanh nghiệp điện tử rất nổi tiếng của Nhật Bản tại khu công nghiệp Loteco. Đồng thời được doanh nghiệp này cho rằng không thua kém gì máy do người Nhật Bản chế tạo. Thậm chí giá thành thấp hàng chục lần so với máy nhập ngoại.

Tại lễ trao giải Vifotec năm 2013 cùng với thạc sĩ Phạm Văn Toản nhận giải Nhì với đề tài “Hệ thống tự động lắp ráp cuộn cảm thay thế công đoạn thủ công”, Trường đại học Lạc Hồng còn nhận được giải Ba với đề tài “Giải pháp vận chuyển hàng tự động sử dụng smart - agv” của nhóm tác giả Trần Văn Thành, Trần Viết Thiện, Nguyễn Quang Cường. Ngoài ra còn có giải Khuyến khích của thạc sĩ Lê Hoàng Anh với đề tài “Định vị cho robot di động sử dụng camera và vật mốc”

Cuối tháng 5 vừa qua, Trường đại học Lạc Hồng lại một lần nữa bội thu tại Vifotec năm 2014 khi đoạt được 1 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích. Trong đó giải Nhì là công trình “Dây chuyền sản xuất cuộn cảm tự động” của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Quỳnh; giải Khuyến khích là công trình “Hệ thống sắp xếp linh kiện tự động MPC” của nhóm tác giả Phạm Văn Toản. Tại lễ trao giải thưởng Vifotec 2014, trường còn được nhận tới 13 bằng khen về thành tích nghiên cứu khoa học. Đồng thời thạc sĩ Phạm Văn Toản còn được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Wipo trao chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với sẩn phẩm chế tạo “Máy lắp ráp cuộn cảm tự động”.

Thế mạnh nghiên cứu khoa học

Theo Ban giám hiệu Trường đại học Lạc Hồng, từ phong trào nghiên cứu khoa học đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các khoa, phòng đến cả các sinh viên. Nhiều khoa đã thể hiện mình bằng các công trình nghiên cứu khoa học cụ thể ở những cuộc thi uy tín. Tại Hội nghị toàn quốc các trường đại học có chuyên ngành Y dược năm 2014, trường đoạt 3 giải Nhì, gồm công trình “Nghiên cứu vật liệu nano đồng và thử nghiệm khả” của nghiên cứu sinh Cao Văn Dư (Khoa Công nghệ Hóa – Thực phẩm; công trình “Nghiên cứu sản xuất ecotin miniproinsulin từ tế bào Escherichia coli tái tổ hợp” của thạc sĩ Mai Hương Trà (Khoa Công nghệ Sinh học và Môi trường); công trình: “Nghiên cứu chế tạo hạt nano polymer ketoprofen” của dược sĩ Lê Ngọc Thành Nhân (Khoa Dược). Dược sĩ Nhân còn đoạt thêm một giải ba với công trình “Nghiên cứu bào chế thuốc dán ketoprofen 30mg”.

Theo Phòng Nghiên cứu Khoa học, chất lượng các đề tài khoa học của trường được đánh giá rất cao từ các hội giám khảo cấp tỉnh tới cấp trung ương. Cụ thể tại cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014, sinh viên trường dự thi 5 đề tài thì có tới 4 đề tài đoạt giải. Trong đó có 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Tại hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Đồng Nai năm 2014, trường đoạt 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba và 9 giải Khuyến khích (chiếm tới gần 2/3 giải thưởng của hội thi năm đó). 

 ĐH Lạc Hồng chiếm tới gần 2/3 giải thưởng Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Đồng Nai năm 2014

Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong nghiên cứu khoa học của Trường đại học Lạc Hồng chính là nghiên cứu và chế tạo robot. Đến nay trường đã sưu tầm đủ các giải từ giải thấp nhất tới giải cao nhất cuộc thi robot trong nước và quốc tế. Đặc biệt là chức vô địch cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 tại Ấn Độ. Thầy Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, chia sẻ công nghệ robot là công nghệ rất quan trọng đã và đang đi sâu vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Để nghiên cứu ra một con robot đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức tổng hợp chuyên sâu về cơ khí, điện tử, lập trình. Khi sinh viên được tiếp cận công nghệ robot các em sẽ có điều kiện ứng dụng lí thuyết vào thực tế. Đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm.

Từ công nghệ robot, sinh viên của trường đã chế tạo ra nhiều máy móc thay thế con người. Quan trọng là các thiết bị này đạt năng suất cao gấp 5 tới 10 lần. Điển hình là những sinh viên từ sân chơi robot với sự hướng dẫn của giảng viên đã chế tạo ra hệ thống máy lắp ráp cuộn cảm tự động. Hiện đang ứng dụng tại Công ty Nec/Tokin Việt Nam. Mới đây tại Philipines, sinh viên của trường đã đoạt chức vô địch cuộc thi Thiết kế xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á-Sell Eco Marthon 2015. Chung cuộc với thành tích 164,4 km/1 lít xăng ethanol E100. Đây là đại diện đầu tiên của Việt Nam đạt chức vô địch tại cuộc thi này. Điều đó chính là tiền đề để sinh viên của trường chế tạo ra nhiều thiết bị động cơ có thể hoạt động ở chế độ siêu tiết kiệm nhiên liệu trong tương lai gần.

"Hoạt động nghiên cứu khoa học được nhà trường đặc biệt coi trọng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Từ hoạt động này đã chuyển hóa các kiến thức lí thuyết thành các sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn. Nhiều sản phẩm khoa học của trường đã được doanh nghiệp đón nhận. Thành quả đó bắt nguồn từ đam mê khoa học của giảng viên được truyền cho sinh viên. Đặc biệt là sự đầu tư không tiếc tiền của để sinh viên có được hệ thống trang thiết bị thực hành tốt nhất. Đồng thời thưởng xứng đáng cho những đề tài đoạt giải" theo NGND-TS.Đỗ Hữu Tài, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng
Diễm Nhi

Vifotec, WIPO, nghiên cứu, khoa học


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        29,851,046       1/579