Tiêu điểm

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Đồng Nai

 Kỳ 5. Cơ hội và động lực ngành Vi mạch bán dẫn - Một góc nhìn từ chuyên gia

Ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, được xem là một trong những nền tảng của tính toán hiện đại. Ngành này giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data). Với quy mô kinh tế hàng tỷ USD, ngành vi mạch bán dẫn đóng góp không nhỏ vào cạnh tranh toàn cầu. Là một tỉnh có bề dày trong phát triển công nghiệp, Đồng Nai đang có những lợi thế rõ rệt để phát triển ngành này.

Để cung cấp cái nhìn sâu sắc về cơ hội và động lực của ngành vi mạch bán dẫn, tác giả bài viết đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (LHU).

Lợi thế của tỉnh Đồng Nai ở Vùng Đông Nam Bộ

Tác giả (TG): Xin kính chào Thầy, hiện nay nhiều người cho rằng Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Thầy có nhận định như thế nào về vấn đề này?

PGS, TS Nguyễn Vũ Quỳnh: Tỉnh Đồng Nai (và cả Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) có những lợi thế nổi bật. Khu vực này kết nối dễ dàng với các cảng biển quốc tế như cảng Cát Lái và sân bay quốc tế Long Thành (dự kiến đưa vào khai thác năm 2026), tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm.

Ngoài ra, Đồng Nai sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn và hệ thống đường cao tốc phát triển, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp vi mạch đến đầu tư. Hệ thống các trường đại học trên địa bàn và các tỉnh lân cận cũng cung cấp nguồn lao động có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành này thông qua các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ đầu tư. Đồng Nai và khu vực phía Nam cũng thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn như Intel, Samsung, Onsemi, giúp hình thành một hệ sinh thái phát triển cho ngành vi mạch, từ cung ứng nguyên liệu đến sản xuất và phân phối.

Những lợi thế này sẽ làm cho Đồng Nai trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Nguồn nhân lực - Yếu tố then chốt

TG: Nguồn nhân lực đang được xem là một trong những yếu tố then chốt để tạo nên thành công đột phá cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Với vị trí và chuyên môn của mình, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh có thể chia sẻ góc nhìn về thực trạng nguồn nhân lực của lĩnh vực này tại Đồng Nai?

PGS, TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU trò chuyện cùng sinh viên

PGS, TS Nguyễn Vũ Quỳnh: Hiện tại, nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam nói chung cũng như Đồng Nai nói riêng đang gặp một số thách thức lớn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư nhưng lại khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có trình độ cao. Mặc dù Việt Nam có nguồn lao động trẻ và trình độ kỹ thuật tốt, nhưng riêng lĩnh vực vi mạch thì vẫn còn nhiều hạn chế.

Hầu hết các chương trình đào tạo tại các trường đại học vẫn tập trung nhiều vào lý thuyết và chưa sát với thực tế sản xuất. Đầu tư vào trang thiết bị cho ngành vi mạch lại rất đắt đỏ, không dễ gì quyết định trong một sớm một chiều. Rất may trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Chính phủ dự kiến có 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn. Đây là một tín hiệu tích cực.

Giải pháp cho nguồn nhân lực

TG: Để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch, tỉnh Đồng Nai cần những chính sách đột phá nào, thưa PGS. TS Nguyễn Vũ Quỳnh?

PGS, TS Nguyễn Vũ Quỳnh: Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn, cá nhân tôi cho rằng Đồng Nai cần triển khai một loạt các chính sách đột phá như:

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chuyên sâu: Theo đó, cần tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vi mạch như Intel, Onsemi để xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế. Hiện tại, LHU đang phối hợp với công ty Onsemi để triển khai chương trình đào tạo này. Theo đó, sinh viên LHU học lý thuyết trên giảng đường và sau đó vào công ty Onsemi để thực hành trên các hệ thống đào tạo và máy móc thực tế. Ngoài ra cũng cần triển khai chương trình đào tạo kép và thực tập tại nhà máy.

Hợp tác doanh nghiệp là chìa khoá quan trọng cho bài toán nhân lực ngành vi mạch. Ảnh: Ông Tạ Quang Trường - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai (áo trắng), PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh (áo thun đen) cùng đồng nghiệp tham quan công ty Onsemi

Thúc đẩy đào tạo nghề và học nghề chuyên sâu: Thành lập các trung tâm đào tạo nghề tập trung vào công nghệ vi mạch bán dẫn, cung cấp khóa học ngắn hạn và chương trình học nghề dành cho lao động kỹ thuật muốn chuyển đổi ngành nghề. Tổ chức các khóa đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới nhất cho các kỹ thuật viên đang làm việc, giúp họ nâng cao trình độ và thích ứng với công nghệ mới.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực lĩnh vực vi mạch: Hợp tác với các quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ để đào tạo nguồn nhân lực, đưa kỹ sư và sinh viên đi học tập, thực tập và làm việc tại các trung tâm vi mạch lớn. Đặc biệt Đài Loan đang có rất nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên Việt Nam theo học các ngành bán dẫn, cấp vé máy bay hai chiều, đào tạo miễn phí tiếng hoa, chế độ học bổng cao khi theo học chuyên ngành bán dẫn tại Đài Loan.

Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đào tạo nhân lực lĩnh vực vi mạch: Cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi về thuế và tài chính cho những doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong ngành vi mạch bán dẫn. Doanh nghiệp có thể thành lập trung tâm đào tạo nội bộ và được hưởng các lợi ích từ nhà nước. Đồng thời cần có chính sách khen thưởng doanh nghiệp có đóng góp cho đào tạo nhân lực.

Chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên theo học lĩnh vực vi mạch, như cung cấp suất học bổng và chương trình vay học phí với lãi suất thấp cho sinh viên học chuyên ngành liên quan đến vi mạch.

Tôi tin rằng những chính sách này sẽ giúp tỉnh Đồng Nai giải quyết bài toán nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn mạnh mẽ và bền vững.

Thách thức khác của ngành vi mạch bán dẫn

TG: Ngoài nguồn nhân lực, ngành vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai còn gặp những thách thức nào trong giai đoạn hiện nay, thưa PGS. TS Nguyễn Vũ Quỳnh?

PGS, TS Nguyễn Vũ Quỳnh: Ngoài thách thức về nguồn nhân lực, ngành vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai còn gặp một số thách thức khác, bao gồm:

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng và logistics chưa hoàn thiện: Mặc dù có hệ thống hạ tầng công nghiệp phát triển, nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ ngành vi mạch như điện, nước vẫn chưa hoàn thiện.

Thứ hai, chuỗi cung ứng phụ trợ chưa phát triển: Ngành vi mạch đòi hỏi một hệ sinh thái cung cấp mạnh mẽ, nhưng hiện tại, khu vực này còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Thứ ba, chi phí đầu tư cao: Ngành vi mạch yêu cầu đầu tư lớn vào cơ sở vật chất, công nghệ và trang thiết bị.

Thứ tư, cạnh tranh quốc tế: Ngành vi mạch là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu cao với các quốc gia có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực này như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thứ năm, khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hạn chế: Khả năng R&D của Việt Nam trong lĩnh vực này còn yếu, với ít cơ sở nghiên cứu và thiếu ngân sách cho nghiên cứu.

PGS, TS Nguyễn Vũ Quỳnh (ngoài cùng bên trái) và đồng nghiệp tham quan công ty Onsemi 

Kỳ vọng và bước đi cụ thể

TG: Theo PGS. TS, cần có những “bước đi” cụ thể ra sao để ngành công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những đột phá kinh tế của tỉnh?

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, với kỳ vọng doanh thu ngành bán dẫn đạt trên 25 tỷ USD/năm. Chiến lược này được chia thành ba giai đoạn rõ ràng:

Giai đoạn 1 (2024 - 2030): Tập trung thu hút FDI, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân bán dẫn;

Giai đoạn 2 (2030 - 2040): Phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế chip, 2 nhà máy chế tạo chip, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn. Quy mô nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đạt 100.000 kỹ sư, cử nhân;

Giai đoạn 3 (2040 - 2050): Hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế chip, 3 nhà máy chế tạo chip, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn. Mục tiêu là làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc trong chuỗi sản xuất chip.

Để hiện thực hóa điều này, tôi cho rằng, Đồng Nai cần chú trọng các bước đi sau:

Một là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Tăng cường liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu.

Hai là, có chính sách tốt để thu hút nhân tài quốc tế: Thiết lập các ưu đãi để thu hút chuyên gia quốc tế.

Ba là, phát triển cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp chuyên biệt: Tạo ra các khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng hiện đại.

Bốn là, tăng cường đầu tư và khuyến khích R&D: Đầu tư vào các trung tâm R&D chuyên sâu về vi mạch bán dẫn. Tôi tin rằng những bước đi này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp bán dẫn, đưa Đồng Nai thành trung tâm sản xuất, nghiên cứu phát triển quan trọng, góp phần đạt được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

TG: Cảm ơn PGS, TS Nguyễn Vũ Quỳnh. Kính chúc Thầy sức khỏe và ngày càng có nhiều đóng góp cho ngành vi mạch bán dẫn 

Ra Khơi

Vi mạch; Bán dẫn; Osemi; Đồng Nai; LHU; Nhân lực ngành vi mạch


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        31,003,202       106/948